Cuộc sống gia đình bên cạnh những niềm vui, hạnh phúc thì còn là rất nhiều trách nhiệm và gánh nặng, đòi hỏi hai vợ chồng cùng phải gánh vác, sẻ chia. Nếu người đàn ông không làm được điều đó thì phụ nữ thất vọng, chán chường cũng là điều rất dễ hiểu.
Đăng (33 tuổi) chia sẻ anh và vợ kết hôn đến nay tròn 6 năm, sinh được 2 đứa con, nếp tẻ đủ cả. Vợ chồng anh luôn hòa thuận, êm ấm, ít khi cãi vã to tiếng. Ngọc - vợ Đăng đảm đang, chu toàn mọi việc còn anh cũng yêu thương vợ con, không sa đà vào tệ nạn xấu.
"Cạnh nhà tôi vừa có hàng xóm mới chuyển đến, đó là một cặp vợ chồng trẻ. Hôm họ chuyển tới, tôi đang ngồi trong nhà còn vợ đứng ngoài cửa nói chuyện với cô vợ nhà ấy. Khi cô ta hỏi chúng tôi sinh được mấy cháu thì vợ hồn nhiên đáp rằng cô ấy có 3 đứa con, 2 trai 1 gái. Tôi đứng hình vì câu trả lời của vợ. Lẽ nào vợ tôi đang mang thai, còn biết trước là con trai?”, Đăng kể.
Lát sau Đăng hỏi vợ chuyện con cái thì cô cười nhạt: "Em không có thai, hai đứa con do em sinh ra còn 1 đứa thì phải nuôi bất đắc dĩ". Lúc này Đăng đã hiểu Ngọc đang chế giễu và mỉa mai chính chồng mình.
"Làm vợ mà có thể ví von chồng như con, thật chẳng ra thể thống gì. Bình thường cô ấy khá biết điều, ai ngờ lại hỗn láo với chồng và học được thói móc mỉa, bóng gió người khác kiểu đó", Đăng vô cùng bức xúc.
Anh tự thấy bản thân tốt hơn rất nhiều người chồng khác. Anh không ngoại tình, nhậu nhẹt, vũ phu hay dính vào cờ bạc. Chỉ là anh chưa kiếm ra nhiều tiền để cho vợ con cuộc sống giàu có, dư dả mà thôi. Chẳng lẽ vì thế mà Ngọc khinh thường anh?
"Em chăm các con thế nào, chịu trách nhiệm với chúng ra sao thì em cũng phải chăm sóc và chịu trách nhiệm với anh tương tự, chẳng có gì khác. Vậy em nói rằng mình có 3 đứa con thì có gì sai?", Ngọc nhẹ nhàng trả lời chồng.
Rồi cô nhắc lại cho chồng về cuộc hôn nhân 6 năm của họ, những chuyện đã xảy ra, những gì vợ chồng cô đã đối mặt và gặp phải. 6 năm hôn nhân Đăng chưa bao giờ giúp vợ làm việc nhà hay trông con vì anh quan niệm đó là phận sự của đàn bà. Hiện tại đứa con lớn của Ngọc còn biết quét nhà, nhặt rau đỡ mẹ nhưng Đăng thì chưa bao giờ làm được cho vợ từ những việc nhỏ nhất như vậy.
Ngọc và Đăng đến với nhau từ hai bàn tay trắng. Đăng đi làm nhiều năm nhưng không có tiền tiết kiệm, đến tiền tổ chức đám cưới cũng phải đi vay, cưới xong lấy tiền mừng và vàng cưới trả nợ. Về sống chung được mấy tháng, Đăng mất việc vì tự ý nghỉ làm không xin phép. Trước đó nếu nghỉ làm Đăng sẽ chẳng có tiền chi tiêu sinh hoạt nhưng hiện tại anh đã cưới vợ, không đi làm vẫn có vợ nuôi. Anh cứ lần khất mãi chuyện xin việc dù Ngọc khuyên bảo đủ mọi cách.
Rồi Ngọc mang thai, sinh con, trong suốt quá trình ấy cô luôn chỉ có một mình. Cô đi làm đến gần ngày sinh, sinh xong 2 tháng đã nhanh chóng trở lại công việc, kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng. Hơn 2 năm trước Ngọc đã nghĩ đến hai chữ ly hôn nhưng cô lại nhỡ mang thai lần 2.
Cứ thế cho đến nay mình Ngọc nuôi cả gia đình. Đăng đi làm được chăng hay chớ, số tiền kiếm được chẳng đủ anh tiêu vặt. Tiền ăn sáng Đăng phải xin vợ, đến tiền biếu bố mẹ ở quê cũng là Ngọc bỏ ra.
"Vợ tôi nói rất nhiều, về tất cả những tủi thân và ấm ức mà cô ấy phải chịu trong 6 năm qua, về những nhọc nhằn, vất vả một mình cô ấy cáng đáng còn tôi thì thờ ơ không quan tâm. Cuối cùng cô ấy bảo cô ấy kiệt sức rồi, không đủ sức để gánh vác thêm nữa. Cho các con ăn nốt cái Tết này, ra riêng cô ấy sẽ dọn ra ngoài, 3 mẹ con sống với nhau. Vì cô ấy thực sự mệt mỏi không đủ sức lực chịu trách nhiệm thêm một người đàn ông khỏe mạnh, trưởng thành như tôi nữa", Đăng tâm sự.
Sau lời tuyên bố đó của Ngọc, Đăng mất ngủ cả tuần trời. Đúng là anh đã quá ỷ lại và dựa dẫm vào vợ. Tới lúc này khi cô quyết định buông tay thì anh mới giật mình nhận ra mình đã tệ bạc cỡ nào. Nếu còn muốn giữ vợ con, gia đình thì anh buộc lòng phải thay đổi, làm tròn trách nhiệm của một người đàn ông trong nhà.
Đăng bảo Ngọc nói ra riêng cô sẽ chuyển đi nhưng Đăng thì không được chờ đến lúc ấy. Anh phải bắt tay ngay vào thay đổi từ những việc nhỏ nhất, trước hết là chu toàn việc nhà và chăm con để vợ đi làm. Rồi sang năm mới anh sẽ tìm công việc, kiếm tiền bằng mọi cách.
Câu chuyện của gia đình Đăng thật sự không hiếm. Nhiều người đàn ông tuy đã trưởng thành, lập gia đình và lên chức bố nhưng đến bản thân mình anh ta còn không lo được. Anh ta chẳng khác gì một đứa trẻ to xác trong nhà, để vợ phải chăm lo từ những thứ nhỏ nhất. Nếu người đàn ông đó không sớm tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm và sửa chữa thì sớm muộn gì người vợ cũng dứt áo ra đi mà thôi.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật và Bạn Đọc)