Chuyên gia cảnh báo mối nguy từ lời mời 'uống chút rượu cho ấm bụng'

01/01/2023 10:51:21

Khi uống rượu, nhiều người lập tức cảm thấy phấn chấn, nóng người nên lầm tưởng loại đồ uống này giúp làm ấm cơ thể.

Cuối năm, lễ Tết là thời điểm người dân thường tụ tập, liên hoan, không thể thiếu bia, rượu. Số lượng người đi cấp cứu vì thức uống quen thuộc này cũng nhiều hơn. Nhiều trường hợp vào viện chỉ ở mức độ nhẹ, say xỉn, nôn nhưng cũng không ít bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng như hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, tai biến, đột quỵ có khi phải trả giá bằng tính mạng.

Chuyên gia cảnh báo mối nguy từ lời mời 'uống chút rượu cho ấm bụng'
Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Bia, rượu chỉ sau 5 phút vào cơ thể đã có tác động lên não làm tăng tiết dopamin khiến người uống khoan khoái, dễ chịu và có phần hưng phấn. Đây là lý do nhiều người thích các loại đồ uống có cồn này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay rượu làm tăng cung lượng tim, giãn mạch làm tăng tưới máu đến da và cơ nên tạo cảm giác thấy nóng người lên. Nhiều người lầm tưởng đây là "ấm bụng" hay làm ấm cơ thể. Thực tế, thân nhiệt không tăng lên sau uống rượu, thậm chí đồ uống này khiến cơ thể bị thoát nhiệt, cảm giác này càng rõ ràng hơn khi uống lúc trời lạnh.

Theo bác sĩ Tạ Đức Thao, khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trời lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt.

Việc uống rượu (làm mạch máu giãn ra) khi thời tiết lạnh (mạch co lại, huyết áp tăng) được coi như "đổ thêm dầu vào lửa". Bởi nó khiến nguy cơ làm tăng đột ngột áp lực tại mạch máu não gây ra xuất huyết não, đột quỵ thậm chí tử vong.

Do đó, các chuyên gia khẳng định quan niệm "uống rượu cho ấm bụng" là sai lầm và phản khoa học. Hành động uống rượu trong thời tiết giá lạnh, cộng thêm không mặc quần áo đủ ấm là rất nguy hiểm. 

Các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ càng dễ xảy ra hơn ở những người già, người bị suy nhược cơ thể, mắc bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch... lại uống rượu, đặc biệt khi trời lạnh. 

Theo Bộ Y tế, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh. Lạm dụng rượu bia tăng nhiều loại ung thư. Uống bia rượu đồng thời có hút thuốc lá sẽ làm tăng cao khả năng ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản và thực quản hơn người chỉ uống rượu hoặc hút thuốc lá đơn thuần.

Những quan niệm sai lầm khi uống rượu 

Nhiều người cho rằng rượu để lâu hoặc chưng cất nhiều lần sẽ không còn aldehyde gây độc cho cơ thể nữa. Thậm chí, có quan niệm uống rượu "xịn", rượu ngoại hay uống bia không hại gan. Theo các bác sĩ Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật thuộc Bệnh viện Bạch Mai, quan niệm này là sai lầm, bởi uống rượu bia luôn làm gánh nặng cho gan, ảnh hưởng thần kinh.

Cồn trong bia, rượu là ethanol, là chất không gây độc. Tuy nhiên, khi uống bia rượu vào, ethanol sẽ chuyển hóa phần lớn tại gan tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây tổn thương tế bào gan dẫn đến gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Chất này cũng là yếu tố gây ra ung thư những cơ quan trong cơ thể.

Một số người truyền tai nhau về thuốc giải độc bia rượu và giúp uống bia rượu lâu say. Theo các bác sĩ, đây thực ra là những thực phẩm chức năng, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được tác dụng giải độc rượu với cơ thể. 

Một số chất khi uống vào làm chậm quá trình hấp thu ethanol vào máu nên gây ra cảm giác chậm say, nhưng thực tế ethanol vẫn dần ngấm hết vào cơ thể với thời gian dài hơn; tổng lượng ethanol vào máu và chuyển hóa ở gan tạo ra acetaldehyde không thay đổi.

Với người sau khi uống rượu vẫn tỉnh táo và có thể ăn uống, người nhà nên cho ăn cháo loãng tránh hạ đường huyết, cho uống nhiều nước bù điện giải. Nếu có những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, co giật, lạnh, tím tái, thở khò khè, đau đầu hay mê man, loạn nhịp... người nhà cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế.

Theo Võ Thu (VietNamNet)

Nổi bật