PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Trung tâm đang cấp cứu và điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn. Một trường hợp bị mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, còn một trường hợp khác bị liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.
Bệnh nhân thứ nhất là ông H.V.E. (73 tuổi, trú tại Duy Tiên, Hà Nam) được hàng xóm cho một con lợn khoảng 50 kg bị ốm vào ngày 6/3. Một mình ông đã giết mổ con lợn đó và nấu ăn. Sau một ngày, ông E. xuất hiện đau đầu, buồn nôn, sốt cao và mê hoảng.
Người bệnh được gia đình đưa vào Bệnh viện Hưng Hà (Hưng Yên), chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết/suy đa tạng. Do diễn biến nặng, ông E. được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 8/3.
Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh liều cao và chăm sóc toàn diện. Với biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm và yếu tố dịch tễ, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não do liên cầu lợn.
Bệnh nhân thứ 2 là Đ.V.K. (41 tuổi, ở Hưng Yên) bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn sau 9 ngày ăn tiết canh ngan. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Sau một ngày, người này xuất hiện sốt không rõ nhiệt độ kèm đau đầu, mệt nhiều.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên, điều trị giảm đau. Đến ngày 13/3, bệnh nhân xuất hiện đau đầu nhiều, vật vã, kích thích nên đã được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Với kinh nghiệm lâm sàng và kết quả cấy dịch não tủy ra liên cầu lợn Streptococcus suis, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ngan.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, cho biết liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết ca bệnh liên quan việc giết mổ, ăn tiết canh hoặc đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê để bán ở các cửa hàng.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân không ăn tiết canh, giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do ăn thịt lợn nhiễm bệnh chế biến còn sống, tiếp xúc với vật nuôi nhiễm bệnh qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu. Bệnh nhân có thể sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận và điều trị hàng chục ca nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng nặng, tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục.
PN (Nguoiduatin.vn)