Hà Nội: Hai người đàn ông trẻ tuổi tử vong vì sốt xuất huyết

21/11/2022 10:53:15

Hai người đàn ông ở Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày thứ 5 và 7 từ khi có dấu hiệu sốt xuất huyết. Dù được lọc máu, chạy ECMO nhưng cả hai đều tử vong.

Chiều 20/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tuần qua (từ ngày 11 đến 18/11), thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước); 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Hồi tháng 10, CDC Hà Nội dự đoán đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào giữa tháng 11. Trong nhiều tuần nay, số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng. Cơ quan này dự báo, tới đây, số ca sẽ còn tăng cao do thành phố đang trong cao điểm mùa dịch, kéo theo nguy cơ thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Hà Nội: Hai người đàn ông trẻ tuổi tử vong vì sốt xuất huyết
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), từ đầu năm đến nay tiếp nhận hơn 2.800 ca mắc, tăng cao so với các năm trước, kể cả số ca nặng.

70% số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện này có dấu hiệu cảnh báo nặng, 30% kèm bệnh nền như béo phì, cao huyết áp, rối loạn đông máu... Bệnh viện mới đây điều trị thành công ca bệnh sốt xuất huyết nặng trên nền bệnh béo phì (160kg). Hiện có hơn 100 bệnh nhân đang điều trị ở viện này.

 

Còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận 5-10 ca sốt xuất huyết nặng. Thông tin với VietNamNet, lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực của viện này cho hay tuần qua ghi nhận 2 ca tử vong. Cả hai đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai bệnh nhân đã sốc, vật vã.

Dù được điều trị tích cực, lọc máu, chạy ECMO (hồi sức tim phổi ngoài màng cơ thể) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả hai tử vong sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện tuyến cuối về bệnh lý truyền nhiễm này.

Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).

Các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

Hà Nội: Hai người đàn ông trẻ tuổi tử vong vì sốt xuất huyết - 1
Ảnh minh họa: Internet

Một số thực phẩm nên tránh khi bị sốt xuất huyết

Theo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời ThS.BS. Lê Thị Thu Huyền (Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng), trong thời gian mắc sốt xuất huyết, người bệnh cũng cần tránh một số loại thực phẩm vì chúng có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của cơ thể.

Người bệnh sốt xuất huyết nên tránh các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, đặc biệt là các chất béo bão hòa như mỡ động vật (trừ mỡ cá), dầu dừa, dầu cọ, chất béo chuyển hóa có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, kem béo thực vật, bơ thực vật…

Đây là những loại thức ăn làm tăng thêm gánh nặng cho cả hệ tiêu hóa, trong khi người bệnh đang cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiêu hao năng lượng, đồng thời những thực phẩm này tạo ra nhiều các gốc tự do, gây stress oxy hóa, làm tăng thêm tình trạng viêm hệ thống và các thành phần của hệ miễn dịch phải mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.

Khi đang bị sốt xuất huyết, người bệnh mặc dù cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhưng không nên ăn nhiều các loại thịt đỏ, vì thịt đỏ ngoài khả năng gây viêm cao còn chứa nhiều sắt, đây cũng là nguồn nguyên liệu cần thiết cho virus sinh sôi và phát triển nhanh hơn.

Kể cả các loại thịt trắng cũng nên ăn với số lượng vừa đủ, vì lượng đạm quá cao sẽ làm thận quá tải trong giai đoạn này. Sau khi lành bệnh hoàn toàn thì có thể dùng lại thịt đỏ với liều lượng nhỏ và tăng dần để hồi phục sức khỏe.

Các loại thức ăn, gia vị cay như tiêu ớt có khả năng kích ứng dạ dày cao, có thể dẫn tới xuất huyết dạ dày nếu người bệnh có sẵn nền dạ dày viêm, yếu, như vậy làm tình trạng mất máu trầm trọng hơn, dễ dẫn đến sốc sốt xuất huyết.

PN (Nguoiduatin.vn)