Trưởng hợp tử vong do liên cầu lợn xảy ra tại xã Minh Châu huyện Ba Vì. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã có 11 trường hợp mắc, 01 tử vong vì căn bệnh này.
Còn ca bệnh tử vong vì dại xảy ra tại xã Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn. Lũy tích năm 2018 có 03 trường hợp mắc và tử vong do dại.
Các bác sĩ cho biết đây là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người dân khi bị chó mèo nghi dại cắn cần được đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng sớm, tuyệt đối không chữa bệnh bằng thuốc đông y.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần ghi nhận 41 trường hợp mắc sốt xuất huyết . Tính từ đầu năm đến nay đã có 348 trường hợp mắc, bệnh nhân phân bố tại rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã.
Với số mắc này giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (17.619 trường hợp) và không có tử vong.
Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết có số mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 98%), tuy nhiên thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển vì vậy các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Gia tăng số mắc sởi
Đáng chú ý, theo thống kê trong tuần ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi. Tính từ đầu năm đến nay có 315 trường hợp mắc, bệnh nhân phân bố tại rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã và không có tử vong.
Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh sởi có xu hướng gia tăng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã của Hà Nội trong thời gian vừa qua.
Hầu hết các trường hợp mắc là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc đã đến tuổi nhưng chưa đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Để phòng chống dịch bệnh này cần tăng cường sức đề kháng và chủ động đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo quy định.
Trong tuần cũng ghi nhận 58 trường hợp tay chân miệng. Lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay: 1.222 trường hợp mắc, số mắc phân bố rải rác tại 392 xã, phường, thị trấn, của 30 quận, huyện, thị xã; không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân.
Hầu hết các trường hợp mắc nhẹ (độ 1) tự khỏi và không có tử vong.
Bệnh ho gà ghi nhận 03 trường hợp. Lũy tích năm 2018: 51 trường hợp mắc, không có tử vong.
Trong tuần không ghi nhận các trường hợp mắc não mô cầu, viêm não Nhật Bản, cúm nguy hiểm như Cúm A (H5N6), Cúm A (H7N9)... và các dịch bệnh xâm nhập khác như MERS-CoV, vi rút Ebola, bệnh do vi rút Zika.
Tại các xã bị ngập lụt của các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức không phát sinh dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, theo ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ Sở Y tế Hà Nội, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các bệnh viện Da Liễu, Mắt... phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại các khu vực bị ngập lụt, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát.
Lãnh đạo Sở Y, Trung tâm Y tế dự phòng thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo y tế và phòng chống dịch bệnh tại các vùng bị ngập lụt sau mưa lũ của huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng.
Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, dại, liên cầu lợn.
Trung tâm Y tế dự Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền GDSK cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch, đặc biệt là dịch bệnh mùa hè và các dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, dại, liên cầu lợn...
Theo D. Hải (Soha/Sức khỏe & Đời sống)