Từ cuối tháng 5/2018 đến nay, có tới 28 ca mắc bệnhcũm A H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.
Đồng thời, theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, có tổng cộng 2 ca người bệnh chết do mắc cúm A H1N1, trong đó có một ca bệnh nhân chết do tự điều trị cúm tại nhà vì chủ quan, cho rằng chỉ mắc bệnh cúm mùa thông thường.
Vậy, cúm A H1N1 khác gì so với cúm mùa?
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, cúm A H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Giống như các chủng cúm khác, khi mắc bệnh sẽ có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
Thực tế, đa phần các ca nhiễm cúm A H1N1 là nhẹ, có thể tự khỏi bệnh, nhưng người dân không nên chủ quan vì vẫn có tỷ lệ biến chứng nặng và làm chết người.
Bởi, khác với cúm mùa thông thường – chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp.
Nguy cơ chết người cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng cúm như sốt cao, khó thở, ho nhiều… cần đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc sớm và điều trị kịp thời.
Ai cần đề phòng đặc biệt bệnh cúm này?
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cả 2 ca bệnh nhân chết vì cúm A H1N1 đều mắc các bệnh mãn tính như: béo phì, tiểu đường.
Ngoài ra, bệnh nhân không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện.
Từ đây, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo: Các nhóm như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, béo phì, ung thư, HIV/AIDS hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác... là những người cần đặc biệt tránh nhiễm cúm A H1N1.
Nếu những trường hợp bệnh nhân này có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... thì cần đưa đi khám bệnh tại các cơ sở y tế nhằm điều trị trong thời gian sớm nhất, tránh để bệnh biến chứng nặng gây thiệt mạng.
Đề phòng cúm A (H1N1) như thế nào?
BS. Nguyễn Thị Mỹ Linh – Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, tất cả mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh cúm cho chính bản thân mình bằng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như:
- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng
- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước và xà phòng; tốt nhất nên sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng
- Tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm mùa; đặc biệt cần thiết đối với những người có nguy cơ diễn tiến nặng như đã nêu trên.
Tại các bệnh viện, nhân viên y tế và các nhân viên phục vụ khác được yêu cầu tuân thủ việc vệ sinh tay và phòng hộ chuẩn để tránh lây lan bệnh giữa các bệnh nhân và giữa bệnh nhân với nhân viên.
Vệ sinh khử khuẩn được thực hiện theo quy trình bắt buộc. Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị ở khu vực riêng; có quy định cách ly tùy theo bệnh.
Theo Chi Lê (Vtc.vn)