Mạng xã hội những ngày gần đây rầm rộ trend làm gỏi gà măng cụt. Để có món gỏi gà măng cụt chuẩn vị chỉ cần thái măng cụt xanh cùng với thịt gà xé nhỏ, thêm chút rau thơm và nước mắm là có thành phẩm. Nhiều người cũng lập tức trổ tài, khoe các clip hướng dẫn chế biến món ăn với màu sắc bắt mắt.
Khi độ phủ sóng của “trend” ăn gỏi gà măng cụt chưa “hạ nhiệt” thì dân mạng tiếp tục bị thu hút bởi loạt biến tấu các món gỏi, trà mới lạ từ chính cây cối thực vật quanh nhà. Trong đó phải kể đến món gỏi hoa phượng khiến nhiều người bất ngờ. Không mấy ai tin loài hoa gắn liền với tuổi học trò này có thể ăn và trở thành nguyên liệu của món gỏi lạ miệng.
Độc lạ hơn, dân mạng còn lan truyền các hướng dẫn dùng hoa giấy để làm trà, làm bánh chiên...
Kèm theo việc giới thiệu món ăn - uống độc lạ này là lời quảng bá hàng loạt công dụng ít người biết như duy trì sự cân bằng của cholesterol và huyết áp, ngăn ngừa viêm dạ dày, giảm đau khớp, giải độc cơ thể, hạ sốt, khử trùng, trị ho...
Trao đổi với VTC News, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia bày tỏ, hiện chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào cho thấy hoa phượng, hoa giấy, hoa lan… mang lại giá trị dinh dưỡng thiết thực.
“Gỏi gà măng cụt, gỏi hoa phượng, hoa lan chiên, trà hoa giấy… không phải là món ăn, thức uống thông dụng, mà chỉ là một bộ phận nhỏ giới trẻ tự nghĩ ra để tạo 'trend', 'câu live', 'câu view'. Làm như vậy là không hợp lý”, bác sĩ Hưng nói.
Thời kỳ khó khăn nhất, thực phẩm thiếu, ông cha ta cũng không sử dụng hoa lá đó để làm món ăn. Vị bác sĩ nêu thực trạng giới trẻ đang coi thường sức khỏe dinh dưỡng, cảm thấy thích thú với món ăn nào là chế biến món đó, không cần biết đó là món ăn, thức uống có lành mạnh, khoa học hay không.
Nhiều năm gần đây ở nước ngoài trào lưu Mukbang gây sốt mạng xã hội. Hiện tượng này cho thấy người trẻ tuổi tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ trong thời gian ngắn để thu hút lượng lớn người theo dõi. Phía sau clip ăn uống đó là các hệ luỵ như lãng phí thực phẩm, nguy cơ đối mặt với các vấn đề sức khỏe như ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến tiêu hoá…
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, việc để giới trẻ phát tán các clip chế biến đồ ăn, thức uống như trào lưu trên mạng xã hội gần đây cần phải lên án. Cơ quan chức năng, đơn vị quản lý mạng cần tăng cường kiểm soát nội dung, ngăn chặn những video nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
Bên cạnh đó, giới trẻ cần hình thành ý thức, thói quen sử dụng thực phẩm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhận biết được hậu quả của việc sử dụng thực phẩm chưa được nghiên cứu khoa học, nhất là các trào lưu chế biến thực phẩm đang nở rộ trên mạng xã hội. Bác sĩ khuyên giới trẻ nên hỏi ý kiến chuyên gia để có khuyến cáo sử dụng thực phẩm cho phù hợp.
Về giá trị dinh dưỡng từ những món ăn 'hot trend' trên MXH, Tuổi Trẻ dẫn lời TS.BS Trần Quốc Cường - phó trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM cho biết, việc người dân dùng hoa giấy, măng cụt sống, hoa phượng... để chế biến làm thức ăn, đồ uống cũng mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe.
TS.BS Cường phân tích, hoa giấy, măng cụt sống, hoa phượng, chôm chôm... được xếp vào rau, trái cây nên xét về năng lượng rất thấp, nhưng xét về chất xơ và khoáng chất thì nhiều, giúp cơ thể tăng cường kháng thể, tăng kháng viêm, tăng chất chống oxy hóa, phòng chống lão hóa...
"Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nêu rõ tác dụng của hoa giấy, măng cụt sống, hoa phượng khi được dùng làm thực phẩm, đồ uống. Với tôi, trào lưu này ổn, giúp giới trẻ thích thú hơn khi ăn rau xanh, trái cây, từ đó giúp cơ thể tăng cường thêm chất xơ từ thực phẩm tự nhiên, thay vì tìm uống những gói túi lọc được quảng cáo là chất xơ", TS.BS Cường chia sẻ.
Tuy nhiên, TS.BS Cường lưu ý không nên "thần thánh hóa" chúng như chữa được bệnh... Và bất kỳ một sản phẩm nào được quảng cáo chữa được bệnh khi sử dụng thì người dùng cũng đừng vội tin.
Riêng măng cụt sống dùng trộn làm gỏi gà, do măng cụt xanh có nhựa nhiều hơn, nên khi chế biến phải được ngâm nước, làm sạch kỹ lưỡng.
Các bác sĩ cũng có lời khuyên: bệnh nhân đang chuẩn bị làm phẫu thuật không nên dùng măng cụt trong khoảng thời gian trước đó 2 tuần. Chất xanthones trong măng cụt có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, làm vết mổ bị chảy máu nhiều.
Bên cạnh đó, măng cụt có tính mát và nhiều chất xơ, do đó không nên ăn quá nhiều lần/ngày. Tránh ăn cùng lúc với các loại thực phẩm có đặc tính tương tự như dưa hấu, măng tây, dừa, dưa leo hay đậu tương.
PN (SHTT)