Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, người ta đã thổi phồng quá mức về tác dụng thần kỳ của mật ong. Thậm chí có người tin rằng mật ong rất giàu dinh dưỡng, uống mật ong thường xuyên có thể làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, cải thiện giấc ngủ, giải độc, v.v. Thực tế thế nào?
Bài viết này của chuyên gia Lưu Tĩnh (Liu Jing), nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông Trung Quốc chuyên khoa Chất lượng và An toàn Thực phẩm
Người phản biện bài viết này: Giáo sư Tiến sĩ Lưu Thiếu Vĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông Trung Quốc, Tiến sĩ Khoa học Thực phẩm từ Đại học Bang Pennsylvania, Sau Tiến sỹ tại Đại học Bang Kansas, Hoa Kỳ.
Liệu một chút mật ong có thực sự có tác dụng thần kỳ như mọi người vẫn nói?
Chúng ta sẽ cùng xem xét những hiểu lầm phổ biến nhất về mật ong, trong 8 hiểu lầm lớn này, hóa ra bất kỳ ai cũng có thể nghĩ như vậy. Hãy cùng chúng tôi tìm ra câu trả lời chính xác cho những băn khoăn của bạn.
1. Có thể pha mật ong bằng nước sôi không?
Cũng giống như pha trà với nước sôi, nhiều người cũng thích pha mật ong với nước sôi. Trên thực tế, đây là một sai lầm lớn!
Hàm lượng enzyme hoạt tính trong mật ong là một chỉ tiêu quan trọng để đo chất lượng của mật ong.
Nhiệt độ thích hợp nhất cho enzyme hoạt động là khoảng 37℃, nhiệt độ càng cao thì hoạt tính càng giảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ vượt quá 60°C, enzyme hoạt động sẽ bị tiêu diệt và mất hoạt tính.
Do đó, pha mật ong với nước sôi sẽ làm mất hoạt tính của các enzym sinh học trong mật và làm giảm giá trị dinh dưỡng của nó. Thông thường, nên pha mật ong với nước ấm hoặc nước thường dưới 40°C.
2. Mật ong không thể chữa trị ho do cảm lạnh gây ra?
Theo hiệp hội bác sĩ lồng ngực Hoa Kỳ (ACCP) đã nghiên cứu các phương pháp điều trị và các loại thuốc liên quan đến chứng ho do cảm lạnh thông thường (CACC), và viết một báo cáo trong đó cho rằng mật ong là loại thuốc duy nhất được khuyến nghị để điều trị ho do cảm lạnh thông thường.
Kết quả của một nghiên cứu có đối chứng ở Israel vào năm 2012 cũng cho thấy mật ong thực sự có thể làm giảm tần suất và mức độ ho ở trẻ em.
Dựa trên những nghiên cứu này, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nếu trẻ trên 1 tuổi bị ho do cảm lạnh thông thường, có thể uống 2 đến 5 mL mật ong để giảm cơn ho.
3. Trẻ sơ sinh ăn mật ong được không?
Mật ong có thể có chứa độc tố botulinum, có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ nhỏ hơn 6 tháng có nhiều khả năng bị ngộ độc nhiều hơn.
Các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra từ 8 đến 36 giờ sau khi ăn mật ong hoặc thực phẩm có chứa mật ong. Các triệu chứng bao gồm táo bón, mệt mỏi và chán ăn.
Mặc dù khả năng bé bị nhiễm độc botulinum là rất nhỏ nhưng bác sĩ vẫn khuyến cáo: Không nên dùng mật ong và các sản phẩm của mật ong cho đến khi trẻ được 1 tuổi.
4. Uống mật ong có thể làm ẩm đường ruột?
Trên thực tế, một số người có tác dụng nhuận tràng sau khi uống mật ong vì cơ thể họ không dung nạp được đường fructose.
Như chúng ta đã biết, mật ong chứa nhiều đường fructose, những người không dung nạp đường fructose thì đường ruột sẽ hấp thụ đường fructose chậm, sau khi uống mật ong thì đường fructose hấp thụ không kịp.
Để cân bằng áp suất thẩm thấu trong đường ruột, nước sẽ đi vào khoang ruột và khối lượng phân tăng lên, dẫn đến dễ gây tiêu chảy.
5. Khi mật ong bị nổi bọt thì có được sử dụng nữa không?
Khi nhiệt độ của môi trường bảo quản mật ong tăng cao, trên bề mặt mật ong thường xuất hiện một lớp bọt, nhiều người cho rằng đây là biểu hiện của việc mật ong lên men bị hỏng và không sử dụng được nữa.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân chính là do khi nhiệt độ tăng, hoạt tính sinh học của men glucose oxidase trong mật ong sẽ tăng lên, sẽ đẩy nhanh thành phần chính của mật ong là glucose, biến thành hydrogen peroxide (có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm).
Hydrogen peroxide rất dễ bị phân hủy thành oxy ở nhiệt độ cao, vì mật ong đặc hơn nên nhiều oxy sẽ tích tụ trên bề mặt mật ong và tạo thành bọt trắng.
Có thể thấy, trên bề mặt mật ong có những bọt bong bóng, không những có thể uống được mà còn chứng tỏ mật ong rất giàu enzym hoạt tính.
Thông thường, hàm lượng enzyme hoạt tính trong mật ong càng phong phú thì chất lượng mật ong càng tốt!
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi mật ong bị lên men và biến chất thì quả thực sẽ có bọt, nhưng bọt lúc này thường rất lớn và tương đối đặc, có sự khác biệt giữa mật ong hỏng và mật ong nổi bọt do nhiệt độ cao.
Đồng thời, mật ong khi bị hỏng sẽ có vị cồn đặc trưng, trong tình trạng như vậy thì không thể tiêu thụ được nữa.
6. Mật ong đông đặc có phải vì nó đã bị biến chất không?
Khi nhiệt độ của môi trường bảo quản mật ong giảm xuống, nhiều mật ong sẽ từ từ đông đặc lại, nhiều người cho rằng đó là do mật ong đã bị biến chất.
Trên thực tế, mật ong đông đặc ở nhiệt độ thấp, được gọi là "mật ong kết tinh", mật ong kết tinh cũng giống như quá trình "nước ngưng tụ thành đá ở nhiệt độ thấp".
Trên thực tế, mật ong kết tinh là một hiện tượng vật lý bình thường khi mật ong tự nhiên bị lạnh, và chất lượng của nó sẽ không bị ảnh hưởng.
Mật ong có thành phần chủ yếu là 65% - 80% glucose và fructose, hai loại tổ hợp đường đơn tự nhiên tạo thành, trong khi glucose sẽ kết tinh nhưng fructose sẽ không kết tinh.
Mức độ kết tinh của mật ong cho thấy sự khác biệt về hàm lượng glucose tự nhiên trong mật ong.
7. Mật ong có sợi có phải là mật ong thật không?
Có một "phương pháp kiểm tra mật" lan truyền trên mạng để giúp mọi người cách nhận biết mật ong thật và giả: Đó là dùng đũa gắp mật, nhúng đũa vào mật rồi nhấc lên, nếu mật có thể rút thành sợi mảnh, sau khi đứt sợi sẽ tự động co rút lại thành hình cầu là mật ong thật.
Trên thực tế, phương pháp kiểm tra mật ong theo cách này là sai.
Phương pháp kiểm tra mật ong này chỉ có thể nhận biết được mật có đặc hay không chứ không thể xác định được thật hay giả, vì mật giả cũng có thể làm rất đặc, còn mật thật có thể loãng.
Do đó, trên thực tế, có rất nhiều cách để làm giả mật ong, nếu không có sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên nghiệp thì không thể xác định được hết mật ong thật và giả bằng một phương pháp duy nhất.
8. Tốt nhất là bảo quản mật ong trong tủ lạnh?
Mật ong để vào tủ lạnh sẽ kết tinh thành đường glucose. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mùi vị của mật ong, mà còn khiến người ta tưởng rằng mật ong đã bị hỏng.
Giáo sự Vĩ chốt lại rằng, người tiêu dùng mật ong hãy nhanh chóng thoát ra khỏi những hiểu lầm này, đừng để mắc lại nữa!
Theo Vân Hồng (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)