Nói Tết là người ta nghĩ ngay đến gia đình sum vầy, đoàn tụ song có những hoàn cảnh đặc biệt, Tết đến Xuân về lại lặng thầm lau nước mắt "dứt áo ra đi". Khi niềm tin đã vỡ, tình yêu đã không còn, đến chút tình nghĩa cũng chẳng đủ để người phụ nữ bấu víu cho qua cái Tết thì dứt khoát là điều nên làm.
Mới đây, tâm sự trong 1 nhóm kín, câu chuyện của cô vợ đáng thương được rất nhiều người đồng cảm. Bài viết như sau: "Em xách đồ đạc đi rồi để lại khuôn mặt dài thườn thượt của bà và bố mẹ nó. Nó nhắn tin đòi chia chác của ai người nấy cầm các mẹ ạ. Em trả lời nó thế này.
Tết nhất đến nơi rồi, em thuê nhà ở ngoài vì về nhà sợ ông bà nội em già nghĩ nhiều... Các mẹ ly hôn có về ngoại không? Tâm lý thế nào?".
Cùng với bài đăng là đoạn chat của cô với chồng mình. Thật không tin nổi, người chồng "cạn tàu ráo máng" đến mức đáng sợ.
Anh ta nhắn vợ: "Bây giờ thế này cho thẳng thắn với nhau nhé. Cái gì của cô thì cô cầm về, của tôi thì tôi lấy lại. Bên này mẹ tôi cầm 7 chỉ vàng. Trong đó có 5 chỉ nhà cô cho và 2 chỉ bà tôi cho. Sổ tiết kiệm mẹ tôi cho còn 40 triệu. Cô mang tiền ra rồi tôi sẽ trả cô 5 chỉ vàng. Tiền mừng cưới của cô bao nhiêu cô giữ lại, của tôi bao nhiêu thì tôi lấy lại. Nhẫn cưới mẹ tôi cho tiền mua thì tôi cũng lấy lại. Vậy nhé, ok thì nhắn tin lại sáng mai dứt khoát luôn".
Anh ta còn bồi thêm 1 tin nhắn căn dặn: "Đồng ý sáng mai thì nhắn lại tôi luôn, tôi còn biết đường xin nghỉ, đừng làm lỡ việc của nhau".
Chẳng hiểu mâu thuẫn hôn nhân 2 người xuất phát từ đâu mà đến mức cả đôi nhẫn cưới anh ta cũng đòi lại. Nhiều người tỏ thái độ bức xúc dưới bài đăng, cho rằng dù với bất cứ lý do gì thì việc tính toán quá chi ly của anh chồng là không thể chấp nhận được.
Có lẽ sự đau khổ đã chai sạn nên cô vợ cũng chẳng "ngán ngẩm", cô đáp lại 1 câu ngắn gọn nhưng khiến những người đang sống trong hôn nhân phải suy ngẫm.
"Anh làm lỡ cả đời tôi anh còn không quan tâm thì dăm ba cái lỡ việc của anh tôi quan tâm làm gì. Càng nói tôi càng không muốn sòng phẳng với anh. Nộp đơn ly hôn, tòa gọi, tách khẩu xong thì nó mới dứt khoát được nhé. Tôi tự do, tiền tôi trả lại. Thân!".
Theo chia sẻ, cô vợ cho biết mới kết hôn được 10 tháng 20 ngày: "5 tháng 21 ngày êm đẹp còn lại 5 tháng kia là nhắn tin với gái, đón gái, đèo gái đi chơi, vay lãi 10 triệu, đi làm không mang tiền về, chửi em, đuổi em về nhà mẹ đẻ...".
Song điều cô day dứt nhất là Tết đến rồi mà không dám về nhà vì sợ ông bà nội biết được sẽ buồn. Phụ nữ luôn như vậy đấy - Họ phải nghĩ cho rất nhiều thứ, rất nhiều người xung quanh họ chứ không phải lợi ích cá nhân.
Kết hôn là quyết định hệ trọng cả đời, hãy tìm hiểu thật kĩ người đàn ông bạn muốn dựa vào, đừng để kết quả cuối cùng là cuộc hôn nhân tính bằng tháng.
Có thể, cô vợ trong câu chuyện trên đã chịu đủ đau khổ, bất hạnh cùng cực mới phải xách vali đi thuê trọ những ngày giáp Tết thế này. Thế nhưng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, khắc nghiệt đến mấy chỉ cần chúng ta có niềm tin, biết dừng lại đúng lúc và trân trọng bản thân mình thì không có gì là không vượt qua được. Đôi khi sự tự do có vất vả hay chông chênh 1 chút nhưng vẫn hơn những tháng ngày kìm kẹp trong 1 cuộc hôn nhân vực thẳm để cố diễn tròn vai rồi đêm về lau nước mắt.
Nhưng sự thật nào rồi chúng ta cũng phải đối diện, thà đau 1 lần rồi thôi còn hơn trốn tránh. Khi phụ nữ thất bại, vẫn còn cánh cửa gia đình chào đón, đừng ngần ngại về nhà. Bởi cảm giác tội lỗi của bạn không đổi được những tình cảm thiêng liêng của người thân trong gia đình đâu.
Theo KL (Pháp Luật & Bạn Đọc)