Sáng 10-5, Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2003.
Đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. Đến cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu đã thông báo trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu USD để phòng, chống 3 bệnh này và tăng cường hệ thống y tế.
"Trong lĩnh vực HIV/AIDS, sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay là năm thứ 15 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục giảm. Trong 20 năm qua, với sự đóng góp của Quỹ toàn cầu, chương trình phòng chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng trong 20 năm qua, Việt Nam đã cứu sống khoảng 1 triệu người mắc lao; 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống lao. Những đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho hoạt động phòng, chống lao tại Việt Nam giai đoạn 2004-2023 là hơn 256 triệu USD.
Trong khi đó, vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 150 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét. Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét". Tuy vậy, những khó khăn, thách thức vẫn luôn hiện hữu đó là dịch HIV/AIDS đã có những thay đổi về hình thái lây truyền và nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS.
"Vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho hơn 220.000 người nhiễm HIV còn sống" - người đứng đầu ngành y tế nói.
Bên cạnh đó, bệnh lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hiện nay, mỗi năm vẫn có khoảng 40% số bệnh nhân lao mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng, đặc biệt là sau dịch bệnh COVID-19.
Dịch sốt rét đã giảm nhiều nhưng để loại trừ sốt rét vẫn còn nhiều thách thức do tình trạng mắc sốt rét kháng thuốc, sốt rét ngoại lai từ nước ngoài; nguy cơ sốt rét quay trở lại...
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Quỹ Toàn cầu cũng như Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phát huy các thành quả đạt được; huy động các nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Theo N.Dung (Nld.com.vn)