Người mắc Covid-19 có nên uống nước dừa không?
Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, người bệnh cần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Người nhiễm Covid-19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng và nước là vô cùng quan trọng với người mắc Covid-19. Người bệnh cần uống tối thiểu 2 lít nước/ngày. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Không uống các loại nước gây kích thích thần kinh như trà, cà phê…
Đặc biệt, trong trường hợp có sốt nên uống oresol để bù nước và điện giải. Và uống nước dừa cũng là thức uống tốt để bù nước và điện giải.
Ngoài ra, nước dừa là thức uống lý tưởng đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19, vì những lý do sau đây:
- Nước dừa là một chất điện giải tự nhiên, giúp ngăn chặn tình trạng mất nước hiệu quả ở cơ thể F0. Nước dừa là một đồ uống tự nhiên bổ dưỡng và an toàn nhất. Nó chứa đầy đủ canxi, magiê, kali và nhiều thứ tốt cho sức khỏe, nhất là đối với nam giới.
- Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nước dừa có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol, vì thế đây là thứ nước tự nhiên để điều trị duy trì sức khỏe tim mạch.
- Nước dừa chứa axit lauric mà khi vào cơ thể chúng sẽ chuyển đổi thành monolaurin. Monolaurin sẽ giúp kháng vi-rút, kháng khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa khác ở trẻ em và người lớn.
- Nước dừa đóng vai trò như một loại thuốc kháng sinh và là một phương thuốc đơn giản cho những vấn đề về đường ruột.
- Nước dừa cũng khá hiệu quả để điều trị các bệnh tật cho cơ thể như bao gồm cúm, dạ dày, kiết lỵ, khó tiêu, táo bón...
Nên uống nước dừa như thế nào là phù hợp?
Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều.
Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Theo ý kiến của chuyên gia y học cổ truyền, nước dừa bổ mát có tính âm cao không nên lạm dụng, mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2 quả. Đặc biệt là người hàn lạnh âm thịnh dương suy, miệng không khát kiêng nước dừa, nếu uống cho thêm vài lát gừng, 2-3g muối tăng dương tính, khử bớt tính hàn.
Ngoài ra, không dùng nước dừa cho các trường hợp sau:
- Người bị Covid-19 biểu hiện lạnh nhiều, ho thở, mệt mỏi, đờm nhiều, đờm loãng, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu…
- Người bị Covid-19 biểu hiện đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân giá lạnh, hạ huyết áp…
- Người béo phì bị Covid-19 biểu hiện tiêu hóa kém, hay đầy bụng, sau khi ăn hay mệt mỏi…
- Người có đường huyết cao, người hư nhược, già yếu…
6 nhóm người không nên uống nước dừa
- Bệnh nhân tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước dừa, đặc biệt là ngay sau bữa ăn vì có nguy cơ làm tăng đường huyết.
- Người mắc bệnh thận: Nước dừa có thể khiến tình trạng bệnh thận trở nên trầm trọng hơn, trước khi dùng nên có sự tư vấn của chuyên gia, bác sĩ để tránh những hậu quả không mong muốn.
- Người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy: Nước dừa tiêu khát, nhuận tràng vì thế sẽ làm cho triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy trầm trọng, khó điều trị.
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu: Không được uống nước dừa để phòng nguy cơ sinh non.
- Người đang chuẩn bị đi ngủ: Buổi tối là một trong những thời điểm cần tránh uống nước dừa vì đây là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi, trong khi đó nước dừa có tác dụng lợi tiểu, nó sẽ khiến bạn phải ra khỏi giường rất nhiều lần trong đêm để đi vệ sinh, gây mất ngủ.
- Người bệnh trĩ, huyết áp thấp: Nước dừa có tác dụng làm mát, làm mềm yếu gân cơ, hạ huyết áp. Nếu người bệnh trĩ và huyết áp thấp, nhức đầu do huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp… thì cần tránh uống nước dừa vì tình trạng sức khỏe sẽ bị suy giảm.
PN (Nguoiduatin.vn)