Nước cam là thức uống phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, nó được sử dụng như một loại nước giải khát hàng ngày và đặc biệt là khi cơ thể ốm yếu, suy nhược. Với bệnh nhân mắc COVID-19, nước cam là một trong những thức uống rất lý tưởng vì nó có vị chua nhẹ, ngọt mát rất dễ tiêu thụ.
Hơn nữa, trong trái cam có chứa rất nhiều vitamin C, vitamin B9 (acid folic) rất có lợi trong việc phục hồi sức khỏe cho người bị bệnh. Ngoài ra, cam còn có lợi trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch, bệnh mỡ máu cao, chống lão hóa và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Trong Đông y, quả cam có vị ngọt, chua, tính mát. Có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu. Tuy nhiên theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), dù nước cam bổ dưỡng, ngon lành nhưng nhiều người quá lạm dụng nước cam nên có thể gây ra các tác dụng phụ không đáng có.
Chia sẻ với Nhịp sống việt, TS BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nước cam dù tốt cho F0 nhưng không nên lạm dụng bởi dù giàu vitamin C nhưng cam cũng chứa nhiều đường đơn. Việc lạm dụng cam để nhận vitamin C cũng gián tiếp khiến cơ thể phải nhận quá nhiều đường.
TS Hưng cho biết, người trưởng thành mỗi ngày được khuyến nghị sử dụng 200-300g trái cây tuy nhiên nhiều F0 uống tới 3-4 cốc nước cam mỗi ngày, thậm chí còn pha thêm đường khiến lượng đường mà cơ thể hấp thụ quá lớn. Do đó mỗi người chỉ nên uống 1 cốc nước cam/ngày, có thể bổ sung thêm các loại rau xanh giàu vitamin C như súp lơ, ớt chuông... để bổ sung vitamin C mà không cần uống quá nhiều nước cam.
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, thời điểm uống nước cam tốt nhất là 1-2 giờ sau bữa sáng hoặc trưa và cần uống ngay sau khi vắt. Lý do vì nếu để lâu cam sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C (chất chống oxy hóa, tăng đề kháng quan trọng có trong cam). Ngoài ra, cũng chỉ nên uống khoảng 200ml nước cam mỗi ngày, ghi nhận trên Dân trí.
"Theo nghiên cứu, 200ml nước cam nguyên chất chứa khoảng 60mg vitamin C, tương đương 100% vitamin C nhu cầu của cơ thể trong một ngày. Vì vậy, uống quá nhiều nước cam sẽ gây dư thừa lượng vitamin C không cần thiết cho cơ thể. Còn với trẻ em, chỉ uống khoảng 100ml nước là đủ", TS Giang phân tích.
Với những người bị sốt cũng nên bổ sung nước cam giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tác nhân gây sốt, đào thải độc tố ra ngoài cơ thể, điều hòa thân nhiệt, kích thích tiêu hóa, cung cấp nước và chất điện giải.
TS Giang khẳng định nước cam rất tốt, tuy nhiên, cần phải uống đúng cách và đúng thời điểm, nếu không sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe như:
- Uống khi đói: Có thể gây cồn cào, đau dạ dày.
- Uống ngay sau khi ăn no: Có thể gây khó tiêu, đầy bụng, ức chế quá trình tiêu hóa của thức ăn ăn trước đó.
- Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ: Gây tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu.
- Uống nước cam với sữa: Sự kết hợp này sẽ khiến protein trong sữa phản ứng với axít tartaric và vitamin C có trong cam gây ảnh hưởng tới tiêu hóa, làm chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy.
5 kiểu người không nên uống nhiều nước cam vì sẽ gây hại cơ thể
- Người bị viêm loét dạ dày tá tràng: Do quả cam có chứa nhiều axit, khi đi vào cơ thể người bệnh có thể gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng nên đối tượng này cần phải hạn chế sử dụng.
- Người có bệnh về đường tiêu hóa: Uống nhiều nước cam có thể gây hại cho hệ tiêu hóa và gây ra tiêu chảy.
- Người mới phẫu thuật: Nước cam có chứa axit citric tương đối cao nên những người mới phẫu thuật dạ dày, ruột có vết mổ chưa hồi phục nên thận trọng ăn cam quýt để tránh hiện tượng chảy máu ở chỗ vết thương.
- Người đang uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh: F0 đang dùng kháng sinh thì không nên uống nước cam. Bởi thành phần axit trong nước cam có thể phá vỡ cấu trúc hóa học của thuốc, khiến thuốc kháng sinh sẽ không còn tác dụng kháng khuẩn.
- Người bị bệnh thận: Uống quá nhiều nước ép cam khi bị bệnh thận có thể dẫn đến việc tiêu thụ nhiều vitamin C và tăng acid oxalic chuyển hóa trong cơ thể, điều này sẽ dẫn đến sỏi tiết niệu và sỏi thận.
PN (Nguoiduatin.vn)