Làm dâu chưa bao giờ là điều dễ dàng. Gánh trên vai nhiều trách nhiệm của một người mẹ, một người vợ, một người con thảo hiền, chẳng phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt lên khó khăn. Tất nhiên, dù việc làm dâu có trắc trở nhường nào, nhưng đến cuối cùng thì bản thân chúng ta vẫn gặt hái được nhiều hơn là mất. Ngoài sự tôn trọng của mọi người trong gia đình nhà chồng thì chị em sẽ nhận về một tổ ấm hạnh phúc đích thực mà nhiều kẻ hằng mong ước.
Cưới chồng được 7 năm đã giúp tôi ngộ ra những triết lý thâm sâu trên. Nhưng chẳng phải ai cũng có tư duy cởi mở để đón nhận chúng như một trải nghiệm. Ví dụ như em dâu của tôi - một người phụ nữ đáng trách khiến cả họ hàng lẫn gia đình đau đầu và mệt mỏi.
Cô nàng này lấy em trai của chồng tôi được khoảng gần 1 năm. Cả hai cô chú ấy còn trẻ, tất nhiên nhiều thứ chưa hiểu rõ sự đời nhưng về một số nguyên tắc cơ bản tối thiểu vẫn cần nắm vững. Chạm tuổi hăm rồi mà còn ngây thơ thì thực sự không ổn!
Chuyện là nhà chồng tôi cũng hay tổ chức ăn uống tụ họp cùng vài gia đình họ hàng khác, khi thì là vì nhà có cúng giỗ, khi lại lấy lý do ăn mừng cháu đỗ đạt thi cử, đi du học... Tất nhiên, bản thân tôi thích những bữa cơm ấm cúng như thế. Đại gia đình quây quần sum vầy và nói chuyện rất vui vẻ.
Một điều khác làm cho bữa cơm họp họ hàng càng thêm ý nghĩa là các chị em sẽ xắn tay người nấu kẻ nướng, người dọn dẹp kẻ sắp xếp mâm bát... Ai cũng nhiệt tình và hào hứng. Duy chỉ có cô em dâu kia là khác người. Chưa bao giờ tôi thấy ả động tay vào bất cứ một công việc gì.
Hồi cô ta mới cưới chú út, vì nể tình dâu mới nên các chị, cô bác khác cũng chẳng nhờ vả hoặc yêu cầu làm gì. Nhưng sau một thời gian, nàng dâu bất hảo vẫn cứ ngồi trơ ra mỗi khi nhà có việc, gọi chẳng thưa. Thậm chí cô này còn có tật ăn rất xấu tính. Chẳng hạn cứ vào ăn vụng trong bếp, thí dụ nem rán, giò chả vừa được xếp ra mâm.
Chưa hết, sau đó đến bữa thì ả thường tỏ ra ăn ít, có hôm còn trốn lên phòng ngủ lấy lý do mệt, nhưng thực chất trước đó cô ta đã no nê ở trong bếp rồi! Đỉnh điểm có lần, một người bác họ "hỏi mỉa": "Sao cháu ăn ít thế, tưởng trước giờ vẫn hay thích mấy món này cơ mà?"
Ả dâu trẻ đáp "Ôi bác ơi cháu có ăn mấy đâu, toàn chồng cháu ăn thôi. Ở nhà giờ cháu bị chán ăn, chẳng hấp thụ được gì nên chồng cháu có gì ăn hết!". Nói xong thì chính cậu út cũng thấy ngượng thay, đang yên đang lành thì bị mang ra để làm "bia đỡ đạn" cho tính xấu của vợ.
Những lần xích mích bóng gió kể trên tôi đều ghi nhớ hết, bởi chính bản thân tôi cũng chẳng ưa gì kiểu con dâu này. Cho đến một lần mới đây, mọi việc đã bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Hôm đó lại có cỗ, mấy cô bác đang làm mâm cơm dưới bếp có nói chuyện với nhau về nàng dâu lười biếng, ham ăn này. Mẹ chồng tôi có nghe được toàn bộ, thấy cũng ngượng thay vì không biết dạy dỗ con dâu. Sau đó mẹ chồng đợi bữa cơm xong xuôi mới nặng lời một chút để răn đe ả con dâu bất trị:
"Mẹ bảo thật này, con về làm dâu cũng gần 1 năm rồi mà chẳng bao giờ chịu giúp đỡ gì mọi người bếp núc thế? Thôi hay hôm nay xuống rửa bát nhé, mọi người cũng vất vả nấu rồi. Mình có ăn thì cũng nên trách nhiệm một chút."
Tưởng rằng con dâu sẽ ngoan ngoãn làm theo, nào ngờ ả lại mạnh miệng đáp một câu khiến cả họ hàng đang ngồi đó nóng mắt: "Đến mẹ đẻ con còn chẳng bắt được nói gì mẹ chồng khác máu tanh lòng."
Mọi người chưa kịp hết sững sờ thì ả con dâu lại xả một tràng "Nếu mọi người cảm thấy con lười biếng thì lần sau cũng không cần mời con đến mấy buổi cỗ này đâu! Con chẳng thiết tha gì!"
Nói đoạn, người phụ nữ vô lễ này bỏ lên phòng trong sự sững sờ và điêu đứng của các cô bác lớn tuổi. Giờ với trách nhiệm là một dâu trưởng, tôi nên làm gì đây? Tôi có nên dạy cho ả em dâu út một bài học không? Hay là cứ để mặc kệ và thờ ơ với kiểu người vô đạo đức này? Tôi thương mẹ chồng thực sự nên rất muốn làm gì đó để giúp đỡ...
Theo M.B (Pháp Luật & Bạn Đọc)