Ấn Độ dùng dầu dừa phòng chữa bệnh Covid-19 vì tin vào khả năng diệt khuẩn, tăng miễn dịch
Một trong những tạp chí y khoa uy tín của Ấn Độ, JAPI (Tạp chí của Hiệp hội các bác sĩ) đã thực hiện một bài đánh giá về dầu dừa, tập trung vào "lợi ích điều hòa miễn dịch" và "khả năng hoạt động chống lại vi khuẩn", trong ấn bản tháng 7/2020.
Một trong những tác giả chính của bài báo, Tiến sĩ Shashank Joshi, đồng thời là hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Y khoa Ấn Độ và là thành viên của lực lượng đặc nhiệm của chính quyền bang ở Covid-19 chia sẻ, dầu dừa có axit lauric, một axit béo bão hòa có thể dễ dàng tổng hợp bởi cơ thể. Ông nói: "Người Ấn Độ tiêu thụ rất nhiều axit béo bão hòa, bên cạnh bơ sữa trâu, dầu dừa là nguồn cung cấp chất béo thích hợp cho quá trình trao đổi chất của cơ thể".
Dầu dừa đã được công nhận là một loại thuốc trong y học cổ truyền Ấn Độ, được sử dụng khoảng 4000 năm nay. Khi sử dụng, dầu dừa giải phóng axit lauric, tạo thành monolaurin có thể giết chết mầm bệnh như vi khuẩn, vi-rút và nấm.
"Trong khi Covid-19 không phải là lý do chính để tiến hành việc này thì thực tế đã ghi nhận có người tiêu thụ nhiều dầu dừa, đã chống chọi rất tốt với dịch Covid-19", BS Joshi nói. Mức tiêu thụ của dầu dừa nguyên chất đã tăng lên ở Mỹ trong vài năm qua vì niềm tin vào khả năng chữa bệnh của nó.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bác sĩ đều bị thuyết phục. Một bác sĩ trực thuộc bệnh viện công tại Ấn Độ cho biết, không có cơ sở để nói rằng dầu dừa có thể bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19. "Đúng là dầu dừa có chứa các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn. Nó cũng rất giàu kẽm vốn là khoáng chất quan trọng được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 để tăng cường miễn dịch. Nhưng chúng tôi không biết liệu cơ thể con người có có thể hấp thụ hiệu quả tất cả các hóa chất này từ dầu dừa hay không", chuyên gia nói.
Cũng đã có một cuộc tranh luận lâu dài liên quan đến việc dùng dầu dừa có chữa được bệnh Covid-19 hay không. Một loại dầu giàu lipid như dầu dừa được dự báo là gây ra những vấn đề tim mạch nếu sử dụng quá nhiều với mục đích uống để phòng chống Covid-19.
Bác sĩ Anoop Misra, bác sĩ chuyên nội tiết có trụ sở tại Delhi cho biết: "Tôi sẽ rất vui nếu dầu dừa được chứng minh là có tác dụng tăng cường sức khỏe cơ thể. Nhưng dữ liệu hạn chế hiện tại không đủ cho tôi khẳng định được rằng uống dầu dừa giúp chữa bệnh Covid-19". Theo ông, dầu dừa đã được chứng minh là có tác dụng miễn dịch đáng kể nhưng nó vẫn chỉ là thực phẩm đang trong quá trình thử nghiệm ở bệnh nhân mắc Covid-19.
Mới đây, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Ấn Độ, ở Ấn Độ đã xảy ra sự tranh luận giữa vô số các vấn đề liên quan đến việc dùng thực phẩm tăng cường miễn dịch để phòng chống, thậm chí là thực phẩm có tính diệt virus, vi khuẩn, chữa bệnh Covid-19 hiệu quả. Dầu dừa chỉ là một trong những thực phẩm mà nhiều người dân của đất nước này đang tin tưởng để sử dụng chữa bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Uống dầu dừa để diệt virus SARS-CoV-2 nhằm chữa bệnh Covid-19 là thiếu căn cứ khoa học
Nằm trong chuỗi những cách chữa bệnh Covid-19 truyền miệng, hoang đường, thiếu kiểm chứng, uống dầu dừa để diệt virus SARS-CoV-2 - nguyên nhân gây nên bệnh Covid-19, được Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhận định, đây là cách chữa bệnh sai lầm. Dầu dừa được nghiên cứu có đặc tính kháng một số vi khuẩn, diệt nấm nhưng không có tác dụng với virus SARS-CoV-2.
Trả lời về việc uống dầu dừa có giúp chữa bệnh Covid-19 hay không, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trong dầu dừa rất giàu axit lauric, cơ thể dễ dàng hấp thụ. Loại axit béo này còn giúp tăng cường miễn dịch, thích hợp chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao mà vẫn giữ trọn hương vị món ăn. Tất nhiên là ở đây chúng ta bàn đến dầu dừa nguyên chất chứ không phải một loại hàng pha tạp mà nhiều người đang lợi dụng tin đồn để "gian lận thương mại" với người tiêu dùng.
"Tuy nhiên, sử dụng dầu dừa để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, coi đây là một loại thuốc chữa bệnh Covid-19 thì theo tôi, đây là suy nghĩ sai lầm, thiếu căn cứ khoa học. Nhiều người đang bị tin vào những lời đồn thổi một cách mù quáng. Bản thân dầu dừa cũng giống như bất cứ loại thực phẩm nào khác giúp tăng đề kháng, tăng cường miễn dịch, không nên đồn thổi quá mức vai trò của từng loại thực phẩm này dẫn đến những hiểu lầm không đáng có", chuyên gia nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, sử dụng dầu dừa cũng như tỏi, ớt, ăn hạt tiêu, kim chi... thời gian gần đây lại rộ lên với tin đồn có thể chữa khỏi bệnh Covid-19. Trước tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp ở nước ta, việc tung ra những tin đồn chữa bệnh có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Hậu quả của việc uống thật nhiều dầu dừa hàng ngày để tiêu diệt nCoV chính là nguy cơ bị tiêu chảy, mất nước vì tính nhuận tràng của dầu dừa; có thể gây dị ứng ở một số người; nổi mụn không kiểm soát... Bản thân dầu dừa là thực phẩm giàu chất béo, thậm chí thành phần hầu như chỉ có chất béo, nếu uống quá nhiều có thể dẫn đến việc tăng cholesterol, bao gồm cả cholesterol xấu trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ hình thành những bệnh liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch...
Chính vì thế, giới chuyên gia khuyến cáo, không nên tin vào bất cứ tin đồn, cách chữa bệnh truyền miệng nào liên quan đến Covid-19. Để phòng chống Covid-19 tốt nhất, người dân nên thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế và không tụ tập đông người), trong ăn uống nên tăng cường và cân đối thực phẩm bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)