Bát đũa vốn là đồ vật đựng thức ăn, có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe người ăn do đó hành động này không thể làm một cách qua loa. Khi rửa bát cần tránh xa 3 thói quen nguy hiểm dưới đây vì chúng có thể gây độc cho cả gia đình, thậm chí còn là "chất xúc tác" khiến cho ung thư xuất hiện.
1. Ngâm bát đĩa rất lâu trong nước rửa bát
Từ trước đến nay trong vấn đề vệ sinh bát đũa, các chuyên gia luôn khuyến cáo tốt nhất phải thực hiện ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại với công việc bộn bề, những gia đình trẻ, hay những người ở một mình thường có thói quen cóp bát đũa sau khi ăn lại đợi nhiều rồi rửa một thể.
Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, theo nguyên tắc trong vệ sinh ăn uống thì việc làm trên là hoàn toàn sai lầm, tuy nhiên trong thực tế nó vẫn xảy ra hàng ngày.
Ông Thịnh cho rằng, không chỉ người độc thân mà ngay cả gia đình, nhất là gia đình trẻ dù không phải tích cóp lại để rửa một lần cho xong, nhưng lại có thói quen ăn bữa tối để sáng hôm sau rửa, ăn bữa sáng thì để chiều tối mới làm sạch...
PGS Thịnh khẳng định, việc bát đũa bẩn ngâm qua đêm hoặc để thời gian lâu mới rửa sẽ sinh sôi ra nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Bằng chứng rõ nhất là tình trạng đũa bát nhớt, thậm chí là có mốc vàng bám xung quanh.
“Trong số các loại vi khuẩn, nấm mốc cần đặc biệt lưu ý loại nấm màu vàng có tên Aspergillus rất có hại cho gan. Ngoài ra, còn có các loại vi khuẩn khác sinh ra và bám lại bát đũa, đồ dùng có rửa cũng rất khó để xử lý hết 100% được. Đặc biệt là tình trạng lây nhiễm chéo có thể xảy ra từ bán đũa ngâm lâu ngày, sau khi rửa xếp chồng lên sang bát đũa khô”, PGS Thịnh cho hay.
Đáng cảnh báo hơn, tại Việt Nam các đồ dùng trong sinh hoạt ẩm thực hiện nay dùng nhiều bằng gỗ, tre, điều này lại càng nguy hiểm hơn nếu không vệ sinh sạch sẽ. PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, đũa hay thìa bằng tre, gỗ nếu ăn xong ngâm qua nước để qua đêm thì vi khuẩn, nấm mốc sẽ ẩn nấp sâu vào trong khi việc rửa khó có thể cho ra hết được.
Ngoài ra, nhiều người còn có thói quen đổ dầu rửa bát vào ngâm cùng để khi rửa sạch hơn, điều này rất nguy hiểm, vì hóa chất có trong dầu rửa bát sẽ dễ dàng ngấm vào trong dụng cụ bằng tre gỗ, gây hại ngược lại cho con người.
2. Lạm dụng chất tẩy rửa
Nước rửa bát là một công cụ hiệu quả để loại bỏ dầu ăn trên bát đũa. Nhưng theo các nhà khoa học trên tờ The Health, các loại nước tẩy rửa đều có cơ chế chung là dùng hóa chất để tách cáu bẩn ra khỏi đồ dùng, nhờ vậy có thể làm sạch dầu mỡ, bụi bẩn bám trên bát đĩa, quần áo. Với nước rửa bát có thể gây độc hại cho người nếu sử dụng quá nhiều, thậm chí là có thể gây ung thư do có chứa nhiều hóa chất.
Lạm dụng nước rửa bát rất nguy hiểm vì chúng rất khó để làm sạch hết hóa chất, những loại chất độc này sẽ còn sót lại và thôi nhiễm với đồ ăn sau khi được tái sử dụng, chúng sẽ đi vào cơ thể người khi sử dụng, gây ra những tác hại lớn đến sức khỏe.
3. Xếp bát đũa vào tủ kín ngay sau khi rửa
Sau khi rửa bát, hầu hết mọi người đều xếp ngay chúng vào tủ kín sau đó đóng chặt lại để tránh bụi. Điều này tưởng chừng là hành động rất cẩn thận nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ nấm mốc rất cao.
Các loại đũa, thìa, đĩa bằng gỗ được bảo quản trong môi trường ẩm thấp, lại còn bị cất khi chưa khô hoàn toàn rất dễ hình thành nấm mốc. Những món đồ này khi bị mốc có thể chứa độc tố aflatoxin, Helicobacter pylori... đây đều là tác nhân gây ung thư.
Do đó, lời khuyên là bạn nên tráng lại bát đũa lần cuối bằng nước nóng, sau đó nên xếp ra rổ và phơi khô dưới nắng rồi mới đem cất vào tủ.
Vậy nên sử dụng nước rửa bát như thế nào để đảm bảo an toàn?
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, kể cả khi dùng nước rửa bát chất lượng tốt, nếu không giữ nguyên tắc rửa thật sạch thì vẫn sẽ đem lại nguy hiểm. Do đó, nên rửa bát thật sạch, qua nhiều nước để xà phòng trôi hết.
Với những loại cốc, đĩa, bát chỉ không chứa dầu mỡ thì chỉ nên dùng nước thường, hoặc có thể dùng chanh và muối để làm sạch chúng. Bát đũa nên rửa luôn sau khi ăn xong, không nên ngâm trong xà phòng một thời gian dài.
“Tốt nhất ăn xong rửa ngay, không cần ngâm trước khi rửa. Sau khi rửa nếu có máy thì làm khô, khử khuẩn ngay. Gia đình nào không có máy sấy thì có thể phơi ngoài nắng 10 đến 15 phút hoặc lau khô trước khi úp lên cao, đúng nơi quy định”, PGS Thịnh khuyên.
PN (Nguoiduatin.vn)