Để tránh nguy cơ mắc bệnh từ gian bếp, chúng ta thường được khuyên nên bật máy hút mùi, tiêu thụ các thực phẩm hữu cơ, tránh tiêu thụ các loại thịt đã qua chế biến. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đó, nguy cơ mắc ung thư vẫn luôn hiện hữu nếu sử dụng những loại chảo kém an toàn.
Loại chảo mà chúng ta đang nói đến chính là chảo chống dính kém chất lượng. Từ năm 1951, chảo chống dính đã được phát minh. Kể từ đó, loại chảo này được các gia đình vô cùng ưa chuộng vì tính tiện lợi của nó trong việc chiên rán thực phẩm và vệ sinh sau khi nấu nướng.
Chảo chống dính được phủ một lớp chống dính tên là Teflon (còn được gọi là polytetrafluoroethylene hay PTFE). Teflon tạo thành một bề mặt trơn tuột như sáp, dễ lau chùi hơn. Tuy nhiên, chảo chống dính có thực sự an toàn cho sức khỏe hay không đến nay vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Theo PGS.TS Phạm Gia Điền (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ trên Nhịp sống việt: Teflon là vật liệu rất thông dụng trong cuộc sống, nhưng độ bền không cao. Chất này ở trên chảo chống dính có thể mòn theo thời gian và dễ trầy xước khi tiếp xúc mạnh với dụng cụ nấu bằng kim loại.
Vị PGS cho biết, không thể khẳng định chất này có độc nếu như được sản xuất đúng quy trình công nghệ. Bởi khi đã bong tróc, con người ăn phải những mảnh nhỏ Teflon thì cũng sẽ đào thải chúng qua phân.
Tuy nhiên, nếu những chất này bị tác động ở nhiệt quá cao gây cháy, phân hủy thì sẽ sản sinh ra chất gây độc. Nhiều tài liệu cho thấy, nếu nấu ăn trên 300 độ C, Teflon có thể phát sinh độc chất như perflurooctanoic acid (PFOA), Perfluoisobutylene... những chất này có thể gây tức ngực, khó thở, thậm chí là ung thư, sẩy thai.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cũng đã dán nhãn gây ung thư cho axit perfluorooctanoic (PFOA) – một chất có trên các dụng cụ nấu chống dính như chảo, nồi... Ngoài ra, khi những dụng cụ này bị nấu ở nhiệt độ cao, khói độc được tạo ra sẽ bao gồm cả khí florua, nó bay hơi vào không khí và có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta.
Thông tin trên Tuổi trẻ, Suzanne Fenton, nhà nghiên cứu nội tiết sinh sản tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường (Hoa Kỳ), cho biết trong một số trường hợp như phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc có con nhỏ thì nên hạn chế hoặc tốt nhất tránh dùng chảo chống dính.
Đó là vì chất PFOA có liên quan trực tiếp với các vấn đề phát triển của trẻ em. Hóa chất này được coi là một chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng hệ thống hormone của cơ thể, gây béo phì, tiểu đường, chất lượng tinh trùng thấp và chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng một chiếc nồi, chảo chống dính trong thời gian quá lâu, chỉ nên dùng tối đa trong 2-3 năm. Lau rửa chảo bằng dụng cụ mềm, tránh làm xước, bong tróc bề mặt vì sẽ khiến phản ứng hóa học dễ xảy ra hơn.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chống dính khác nhau, tùy thuộc vào giá tiền và chất lượng. Do đó, lời khuyên là lựa chọn các loại chảo chất lượng, có thương hiệu uy tín để đảm bảo rằng chúng được sản xuất dưới một quy trình khoa học, an toàn.
Dấu hiệu chiếc chảo có thể gây ung thư
Chảo bị biến dạng
Tay cầm chảo bị lỏng lẻo hay bề mặt biến dạng thì chiếc chảo sẽ không nằm thẳng trên bề mặt bếp. Khi chế biến, thức ăn chín không đều, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của thức ăn và người dùng có nguy cơ ăn thực phẩm sống.
Bề mặt chảo trầy xước
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, axit Perfluorooctanoic (PFOA) còn gọi C8, là một hóa chất nhân tạo được sử dụng trong quá trình sản xuất mặt chảo chống dính. PFOA có nguy cơ gây bệnh ung thư khi bề mặt chảo bị trầy xước và hòa trộn vào thức ăn. Đôi khi người dùng có thể nhầm lẫn hóa chất lốm đốm của chảo với hạt tiêu đen trong thực phẩm.
Ngoài PFOA, nhiều hóa chất khác được sử dụng trong quá trình sản xuất chảo chống dính có thể ngấm vào thức ăn khi chế biến. Tùy thuộc nguyên liệu, các hóa chất nguy hiểm có thể gây nhiều bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chảo đổi màu
Những chiếc chảo gỉ sét và đổi màu là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên mua chảo mới. Nếu gỉ hay các chất liệu khác từ chảo rơi vào thức ăn, chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu bạn không muốn thay chảo, có thể loại bỏ những vết gỉ hoặc tình trạng đổi màu của chảo bằng muối và giấm ấm.
Lưu ý khi sử dụng chảo chống dính để tránh ung thư 'gõ cửa'
Nấu ăn ở nhiệt độ vừa phải: Không nên dùng nhiệt quá cao khi chế biến đồ ăn đặc biệt là rán để bảo vệ lớp chống dính và tránh thức ăn bị biến đổi gây hại cho sức khỏe.
Không chùi rửa chảo bằng miếng rửa kim loại: Chùi rửa chảo bằng miếng rửa kim loại sẽ khiến bề mặt chảo bị trầy xước, lớp chống dính bị bong tróc làm chảo nhanh hỏng và khiến chất độc dễ ngấm vào thức ăn.
Không rửa chảo khi còn quá nóng: Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến chảo bị biến dạng và lớp chống dính bị bong tróc. Vì vậy, nên để chảo nguội mới tiến hành chùi rửa. Nếu các vết bẩn khó rửa, bạn cần chờ chảo nguội và ngâm trong nước khoảng 30 phút trước khi rửa.
Không để chảo ở nhiệt độ cao khi chưa có đồ ăn: Nhiệt độ quá cao khiến chất chống dính bị phân hủy và giải phóng chất độc gây ung thư. Khi nấu ăn bạn nên để chảo ở mức nhiệt trung bình hoặc thấp, tuyệt đối không để chảo rỗng trên bếp nóng khi không có dầu mỡ hoặc thức ăn.
Không dùng thìa kim loại để đảo thức ăn: Thìa kim loại khiến lớp chống dính bị trầy xước, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Khi sử dụng chảo chống dính, tốt nhất bạn nên dùng thìa gỗ để không gây tổn hại bề mặt chảo.
Thay chảo mới khi lớp chống dính bị hỏng: Khi chảo bị bong tróc lớp chống dính bạn cần thay ngay chảo mới. Thông thường sau 1 - 2 năm sử dụng, bạn nên thay chảo mới. Vì khi nấu ăn ở nhiệt cao trong thời gian dài khiến chất chống dính bị biến đổi thành lớp khói nguy hại cho sức khỏe và khả năng chống dính cũng không còn.
Nên sử dụng loại chảo nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe?
Theo chuyên gia dinh dưỡng Ann Louise Gittleman, để tránh hoàn toàn hóa chất, bạn có thể sử dụng chảo gang hoặc chảo đất sét chất lượng cao.
Ngoài việc lựa chọn dụng cụ nấu ăn an toàn, các bà nội trợ cũng cần đảm bảo rằng trong quá trình nấu ăn nhà bếp được thông gió tốt. Nếu có cửa sổ khi nấu nướng thì nên mở cửa sổ để đảm bảo không khí lưu thông, hoặc có thể dùng mát hút mùi. Không khí trong lành góp phần thải nhanh các chất độc hại.
Ngoài ra, thay vì chiên, xào... các gia đình nên ưu tiên phương pháp luộc, hấp. Các phương pháp nấu nướng như chiên rán không chỉ dễ sinh ra khói dầu mà còn chứa cực kỳ nhiều calo, tinh bột… làm tăng cân và lipit máu.
PN (Nguoiduatin.vn)