Dù có tha thứ, hòa giải thì chồng vẫn cứ bạo hành vợ khi vẫn không giải quyết điều gốc rễ này?

04/09/2019 11:30:06

Rất nhiều vụ việc bạo hành gia đình xảy ra rồi sau đó được hòa giải, về được thời gian người chồng lại tiếp tục bạo hành vợ. Theo chuyên gia, một khi không giải quyết được gốc vấn đề thì dù có tha thứ, hòa giải thì chồng vẫn cứ bạo hành vợ tiếp.

Trong những ngày gần đây, cụm từ "chồng đánh vợ" liên tục được nhắc đến khi hai vụ bạo hành gia đình dã man xảy ra liên tiếp. Qua những vụ bạo hành này thấy rằng, nạn nhân của bạo lực gia đình không phải ai cũng biết tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình, không ít người phụ nữ đã chọn con đường chấp nhận bạo hành và giữ im lặng.

Điều mà ở hầu hết các vụ phụ nữ vẫn quyết chịu đựng bạo hành như điều kiện kinh tế phụ thuộc, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, sợ chồng đe dọa lấy mất quyền nuôi con, đến tính mạng hoặc thân nhân, sợ điều tiếng từ dư luận đến danh dự của gia đình...

Dù có tha thứ, hòa giải thì chồng vẫn cứ bạo hành vợ khi vẫn không giải quyết điều gốc rễ này?
Chồng vẫn tiếp tục bạo hành dù có hòa giải nếu không giải quyết được gốc vấn đề. Ảnh minh họa

Từng làm việc nhiều với phụ nữ bị bạo lực gia đình, tôi nhận thấy điểm chung ở nhiều vụ là khi quyết định ra tòa, vợ chồng hòa giải về với nhau. Sau cùng lại vẫn diễn ra những trận bạo hành. Như trường hợp ở Long Biên võ sư đánh vợ đang ôm đứa con 2 tháng tuổi trên từng đâm đơn li hôn sau lại về với nhau. Họ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn của sự bạo hành. Và rất nhiều cặp đôi khác sau hòa giải vẫn xảy ra bạo hành.

Vợ chồng chị N.T.T (Hà Nội) từng có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cùng cô con gái nhỏ. Thế nhưng khi công việc của chồng chị không may thất bại thì cuộc sống gia đình thay đổi. Chán nản, chồng chị thường xuyên lấy rượu giải sầu. Chị góp ý thì anh mắng mỏ, gạt phăng đi. Rồi trong những cơn say, anh không chỉ dùng những từ ngữ mạt sát vợ con mà còn dùng tay chân dạy vợ con.

Anh quy kết vợ là "sao quả tạ" nên khiến anh không may mắn như vậy. Chồng không làm việc khi mải theo những cơn say, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên chị. Chị làm việc nhiều hơn nên đi sớm về khuya. Chồng chị lại mặc cảm khi để vợ phải nuôi.

Thay vì chung tay vun vén gia đình, anh trở nên thô bạo hơn. Những trận đòn thừa sống thiếu chết đến với chị nhiều hơn. Nhiều người khuyên chị ly hôn nhưng chị lại vẫn chần chờ bởi chị yêu anh và không nỡ bỏ anh trong giai đoạn anh đang khó khăn đó.

Chỉ sau một lần anh bạo hành cô con gái của chị khi chị vắng nhà, chị đã quyết định đâm đơn ra tòa li hôn với chồng. Nhưng khi anh cầu xin chị cho anh một cơ hội sửa sai, chị lại rút đơn hòa giải. Sống lại với nhau được thời gian, anh lại chứng nào tật đấy vẫn thường xuyên bạo hành chị. Bản thân chị cũng không thể hiểu được vì sao anh vẫn có thể ra tay với vợ con như vậy?.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình và Xã hội, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới đàn ông bạo hành phụ nữ có rất nhiều. Sau mỗi lần bạo hành, đàn ông có thể hối hận rồi xin lỗi, hứa thay đổi để mong vợ tha thứ. Nhưng khi nguồn gốc nguyên nhân của những hành vi bạo lực chưa được giải quyết thì họ sớm muộn cũng sẽ bạo lực tiếp lên nạn nhân.

Theo chuyên gia Phạm Thị Thúy, muốn cuộc sống gia đình yên ấm thì họ phải nỗ lực thay đổi và chính họ cần được giúp đỡ làm sao giải tỏa được những tổn thương tâm lý thời thơ ấu, thực hành cách kiểm soát cảm xúc nóng giận… mới có thể không đánh vợ nữa. Chứ tòa hòa giải, vợ chồng về với nhau mà người đàn ông không được giúp đỡ, phụ nữ không được dạy kĩ năng tự bảo vệ bản thân thì bạo lực lại tiếp tục xảy ra trong gia đình đó.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)