Theo lời bà Lương kể lại, tối hôm đó bà nấu nhiều món hơn thường ngày nên cả nhà ngồi vào bàn ăn muộn hơn. Ai nấy đều khen ngon, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ khiến bà Lương rất hài lòng.
Ăn xong, bà ngồi xem vô tuyến 1 lúc thì cảm thấy người hơi bứt rứt, khó thở, muốn ra ngoài hít thở không khí trong lành. Đâu ai ngờ, vừa khoác áo bước ra khỏi cầu thang chung cư thì đầu óc bà quay cuồng rồi ngất xỉu ngay tại chỗ.
Đúng lúc nhân viên bảo vệ trực hôm đó đang theo dõi camera nên bà được phát hiện ngay. Cậu ta lập tức gọi cấp cứu và báo cho người nhà bà Lương.
Nhờ ở gần bệnh viện nên chưa đầy 5 phút sau bà đã được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ cho biết nồng độ lipid trong máu của bà Lương quá cao, gây xuất huyết não đột ngột. Phải tiến hành phẫu thuật gấp nếu không khó mà giữ được tính mạng.
Điều tra bệnh sử cho thấy bà Lương hóa ra là 1 người rất mê đồ ngọt. Hơn 1 năm trước, bà đã được bác sĩ cảnh báo về nguy cơ mỡ máu khi cùng gia đình đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, cảm thấy cơ thể không có gì bất thường nên bà cũng không để tâm.
Gần đây được nghỉ làm, rảnh rỗi nên bà thường xuyên xem các chương trình nấu ăn rồi học theo. Sau khi tình cờ xem được 1 công thức làm bánh ngọt tại nhà, bà mua rất nhiều nguyên liệu và làm bánh hằng ngày. Tuy chưa hoàn hảo nhưng lúc nào trong nhà cũng có đồ ăn vặt nên trẻ con rất thích thú, những người khác thấy bà vui nên cũng ủng hộ vô cùng.
Buổi tối xảy ra sự việc, bà làm 1 mẻ lớn bánh quy và bánh kem để ăn tráng miệng. Tuy nhiên, vì quá nhiều món trong bữa chính nên các thành viên trong gia đình đều không ăn thêm được nhiều. Tiếc công chuẩn bị cả buổi chiều lại mê đồ ngọt nên bà Lương 1 mình ăn hết số còn lại. Không ngờ việc này lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khiến bà trải qua 1 trận “thập tử nhất sinh”.
Bác sĩ giải thích, bánh ngọt chứa đường và tinh bột nên hàm lượng calo rất cao. Trong khi đó, bà Lương ăn chúng liên tục trong thời gian dài. Buổi tối hôm đó còn ăn 1 lúc quá nhiều nên lượng calo chuyển hóa thành chất béo cũng rất lớn, khiến nồng độ lipid trong máu tăng cao bất thường.
Chưa kể, bà Lương vốn là người ít vận động nên lipid máu không có nơi nào giải phóng. Chúng lắng đọng khiến mạch máu bị tắc nghẽn, tổn thương. Cuối cùng gây ra xuất huyết não nguy hiểm tính mạng.
May mắn là được đưa đến bệnh viện sớm và ca phẫu thuật thành công tốt đẹp nên sức khỏe bà Lương cũng hồi phục rất nhanh. Dự kiến bà sẽ được xuất viện trở về nhà trong 2 tuần. Tuy nhiên, về lâu dài bà vẫn phải theo dõi nghiêm ngặt và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát bệnh mỡ máu.
Bác sĩ điều trị cho biết thêm, ngoài đường thì còn có 3 loại thực phẩm dễ gây rối loạn lipid máu cũng như bệnh về mạch máu nói chung. Đó là thực phẩm giàu chất béo, thức ăn nhiều muối và các loại đồ uống có cồn. Hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách hạn chế chúng và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh hơn mỗi ngày.
Dấu hiệu nhận biết xuất huyết não
Xuất huyết não khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường, thậm chí căn bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh như sau:
Bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên hoặc bị tê liệt một cánh tay, một bên chân.
Không nói được, nói không rõ tiếng, mặt méo xệch, miệng cũng méo.
Cơ thể vã mồ hôi, tiểu tiện không tự chủ, nhịp thở không đều, rối loạn nhịp tim và huyết áp, sốt.
Rối loạn về nuốt như nuốt khó, nuốt dễ bị sặc, không nhai được.
Trí nhớ giảm sút nhanh chóng, hay quên hoặc quên hoàn toàn mọi thứ nhanh chóng...
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được hỗ trợ vì người bị xuất huyết não nên được cấp cứu trong thời gian 3 - 4 giờ sau khi bệnh khởi phát để giảm bớt được mức độ nguy hiểm và hạn chế biến chứng do bệnh.
Biến chứng xuất huyết não
Sau xuất huyết não thì có tới 92% người bị biến chứng về vận động, 68% di chứng vừa và nhẹ và 27% chịu biến chứng nặng. Các biến chứng xuất huyết não thường gặp nhất bao gồm:
Liệt nửa người: Theo thống kê của các chuyên gia y tế có tới hơn 90% người bị xuất huyết não phải chịu biến chứng này sau phục hồi. Đây là loại di chứng xuất huyết não nặng nề nhất, khiến người bệnh không thể chủ động trong cuộc sống của mình, gây khó khăn đi lại, khó cử động tay cân.
Chứng rối loạn tâm lý: Người bệnh thường rối loạn tâm lý do vừa trải qua cú sốc lớn về tinh thần, luôn có cảm giác cô đơn buồn tủi, vô dụng khi thấy mình bị bệnh nằm một chỗ, phải phụ thuộc vào người thân chăm sóc.
Rối loạn ngôn ngữ: Người bệnh xuất huyết não sẽ bị méo miệng, phát âm không tròn vành rõ tiếng như lúc khỏe mạnh, có một số âm không phát ra được hoặc bị mất nguyên âm cuối. Trong trường hợp nặng, khả năng ngôn ngữ của người bệnh chỉ bập bẹ như trẻ đang tập nói.
Rối loạn nhận thức: Như trí nhớ giảm sút, lơ mỡ, lú lẫn, thờ ơ, không nhớ được những gì đã xảy ra trong một khoảng thời gian.
Rối loạn nuốt: Người xuất huyết não khi nuốt dễ bị sặc, nuốt khó, không nhai được...
Rối loạn hô hấp: Người bệnh dễ dẫn đến suy hô hấp, tụt lưỡi, sặc tắc đờm... gây ra viêm phổi.
Không tự chủ tiểu tiện: Đây là biến chứng phổ biến nhất với những bệnh nhân bị xuất huyết não, khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống, dễ cáu gắt, mệt mỏi và bức bối.
PN (Nguoiduatin.vn)