Cô gái 27 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Đó là trường hợp của cô Giang sống tại Tuyền Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) mới 27 tuổi đã phải “nhận án tử” khi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Theo cô Giang kể lại, khoảng gần 1 tháng trước khi phát hiện bệnh, cô bắt đầu bị đau bụng âm ỉ. Vì đúng vào thời điểm sắp có kinh nguyệt nên cô không quan tâm lắm, mặc định là đau bụng kinh. Tuy nhiên, sạch kinh được gần 1 tuần mà cơn đau chưa kết thúc khiến cô bắt đầu lo lắng.
Cảm giác đau ở vùng bụng giữa bên trên rốn ngày 1 rõ ràng khiến cô Giang cho rằng mình gặp vấn đề tiêu hóa. Cô tự đi mua thuốc giảm đau rồi đến cả men tiêu hóa về uống nhưng vẫn không thấy có tác dụng. Chịu đựng thêm được 2 ngày thì cô buộc phải xin nghỉ làm để tới Khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện trực thuộc Trung ương 2 của Đại học Y Phúc Kiến để thăm khám.
Không ngờ, nội soi dạ dày chỉ ra cô bị ung thư dạ dày giai đoạn 4, tức là giai đoạn cuối. Tế bào ung thư đã bắt đầu di căn và tấn công các hạch bạch huyết, mô và cơ quan ở lân cận. Thậm chí có dấu hiệu lan rộng sang cả các vị trí ở xa dạ dày hơn như phối, phúc mạc.
"Thủ phạm" chính là 3 thói quen ăn uống mà nhiều người trẻ mắc phải
Bác sĩ Trần của Khoa Tiêu hóa là người thăm khám và trực tiếp điều trị cho cô Giang. Ông chia sẻ, điều tra bệnh sử cho thấy nguyên nhân gây bệnh ở cô Giang là 3 kiểu ăn uống rất phổ biến với người trẻ.
Đầu tiên: là 1 nhân viên văn phòng bận rộn lại sống 1 mình, cô rất ngại nấu ăn. Hầu hết bữa trưa trong 4 năm trở lại đây đều là gọi đồ ăn ngoài, chủ yếu là các món ăn nhanh nhiều dầu mỡ, không phải dọn dẹp bát đũa nhiều.
Thứ hai: cô Giang rất mê đồ nướng. Cô cho biết, ngoài việc tụ tập bạn bè đi ăn thịt nướng, hải sản nướng ít nhất 1 lần mỗi tuần thì cô còn mua hẳn bếp nướng điện mini tại nhà. Mỗi lần đi siêu thị cô sẽ mua thật nhiều thịt ướp sẵn đóng hộp, bất cứ khi nào thèm đều có thể tự nướng, tiện lợi vô cùng.
Cuối cùng: giống như rất nhiều chàng trai cô gái lứa tuổi đôi mươi khác, cô Giang có thói quen thức khuya đã nhiều năm. Cũng chính vì vậy mà cô thường xuyên ăn đêm. Nếu thức để làm việc, cô sẽ chuẩn bị sẵn thật nhiều bim bim, bánh mì, khô gà, nước ngọt có ga. Còn nếu thức đêm để xem phim hay chơi game, ngoài việc ăn mì gói cô cũng chẳng ngại mà gọi 1 nồi lẩu cay hoặc tự nướng thịt kèm vài cốc bia mát lạnh.
Khi nhận được kết quả chẩn đoán, cô mới bắt đầu hối hận vì những việc làm của mình. Cô liên tục gào khóc hỏi tại sao xung quanh có rất nhiều người sống như cô nhưng không mắc bệnh. Trong khi cô vừa phát hiện đã là giai đoạn cuối, tiên lượng sống cực kỳ thấp, đa số không thể sống quá 3 năm.
Bác sĩ Trần thấy vậy vừa giận vừa xót xa vô cùng. Ông giải thích, thịt nướng và thịt hun khói tuy là món ăn ngon, được nhiều người yêu thích nhưng lại tiềm ẩn chất gây ung thư hàng đầu benzopyrene. Tương tự, thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất phụ gia, chất gây ung thư benzopyrene, polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) và heterocyclic amines (HCAs).
Ngoài ra, việc thức khuya trong thời gian dài cũng khiến dạ dày bị suy giảm chức năng do không được nghỉ ngơi đúng đồng hồ sinh học. Đồng thời nó cũng làm suy giảm miễn dịch, khiến bệnh tật dễ tấn công và tiến triển nhanh hơn.
Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày, các triệu chứng chưa xuất hiện rõ rệt và hầu hết được phát hiện khi các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, cần thận trọng kiểm tra bệnh lý định kỳ, tránh tình huống xấu chuyển hóa thành ung thư.
Tuy vậy, người bệnh cần chú ý đi kiểm tra sức khỏe ngay khi phát hiện một số dấu hiệu ung thư dạ dày sau:
Sụt cân: Đây là một trong những triệu chứng cơ bản khi mắc bệnh ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân xảy ra nhanh chóng khi bệnh bước sang giai đoạn tiến triển, thậm chí có thể giảm đến 15% trọng lượng cơ thể chỉ trong vòng 3 tháng.
Đau bụng: Bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không thuyên giảm...
Chán ăn: Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị tắc nghẽn ở cổ họng.
Đầy bụng sau khi ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn.
Nôn ra máu: Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra máu thường xuyên, chúng ta cũng cần phải suy xét về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày.
Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.
Về cơ bản, những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày gần giống với những bệnh lý dạ dày khác, vì vậy, bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan, chỉ đi khám khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng.
Cách phòng tránh ung thư dạ dày
Tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, giàu chất xơ, vitamin và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
Không sử dụng thuốc lá, bia rượu và các chất kích thích.
Tập luyện thể thao thường xuyên.
Cần thăm khám sớm và điều trị triệt để các bệnh về dạ dày, các khối polyp, khối u lành tính trong dạ dày
Kiểm tra định kỳ và tầm soát ung thư hệ tiêu hóa sớm nếu gia đình có người bị bệnh lý khối u, ung thư tiêu hoá…
PN (Nguoiduatin.vn)