"Lấy chồng nhờ phúc nhà chồng. Sau này phải đối xử tốt với mẹ chồng như với mẹ. Có việc gì cũng đừng dại to tiếng, thiên hạ nhìn vào người ta cười bảo bố mẹ không biết dạy con!", mẹ Thảo dặn con gái trước khi cô bước chân lên xe hoa. Thảo rơm rớm nước mắt, gật đầu vâng lời.
Cái phận lấy chồng xa nó khổ thế đấy, đi hơn nửa ngày trời mới về đến nhà chồng. Đám cưới tổ chức rình rang khiến khu phố rợp đèn hoa bắt mắt. Họ hàng nhà gái ai cũng khen cô có mắt nhìn người. Còn bên nhà trai thì dường như coi Thảo là trung tâm để đưa ra những lời soi xét. Người nói "Thảo có bầu nên cưới chạy"; Người hòa nhã thì bảo: "Duyên phận cho chúng nó lấy nhau"; Kẻ ác ý lại dè bỉu: "Chắc cô ta lại bỏ bùa mê thuốc lú, chứ ai đời mấy đám tốt giới thiệu, Hoàng nó lại không ưng đám nào?"…
Cũng phải thôi, một cô gái bình thường như Thảo. Người ta nghĩ đi nghĩ lại thì cùng lắm cô cũng chỉ lấy được chồng công chức sáng đi tối về. Chứ gia cảnh nghèo, nhan sắc không có thì sao lại may mắn lấy được chồng đẹp trai, gia đình lại bề thế nhất vùng? Nhưng chỉ có Thảo và Hoàng mới biết được, họ đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn và ác ý như vậy mới có thể nắm tay nhau trong buổi lễ thành hôn.
Thời gian đầu bước chân về làm dâu, Thảo cũng không gặp quá nhiều khó khăn gì. Trừ việc mẹ chồng có chút khó tính và khắt khe trong nề nếp thì cũng chẳng có việc gì đáng để bàn. Nhất là khi biết Thảo mang bầu, bà săn sóc và chu đáo hẳn. Hầu hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều không để cô động tay động chân.
Có lần thấy Thảo đang rửa bát, bà liền chạy lại ngay: "Úi giời ơi con đi vào phòng cho mẹ. Bát để mẹ rửa, con mà mệt thì cháu mẹ cũng mệt theo. Đã bảo rồi mà lôi thôi thế không biết!", nói xong bà mẹ chồng liền chạy đến, đùn con dâu lên phòng.
Thế nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì tai nạn ập đến. Thảo ngã xe, cái thai trong bụng bị sảy. Từ đấy thái độ của mẹ chồng thay đổi hoàn toàn. Bà lạnh nhạt và vô cùng khó chịu khi đụng mặt với con dâu trong nhà. Mọi lỗi lầm đều được đổ lên đầu Thảo, từ việc để mất con, mất cháu của gia đình. Rồi Thảo bị nói là con dâu không nghe lời, đã bảo nghỉ làm ở nhà dưỡng thai mà cố đi cho bằng được.
Không những vậy, mẹ chồng còn đi rêu rao, than vãn khắp nơi. Lúc đó trong lòng Thảo vừa buồn vừa ấm ức. Cảm giác như mẹ chồng chỉ quan tâm yêu chiều vì cô mang bầu, còn cô thực ra cũng chỉ giống như một "cỗ máy đẻ".
Mẹ chồng không ngừng gây khó dễ và đối xử tệ bạc với con dâu. Đứa cháu nội ra đời, bà liền lập tức không để cho con dâu chăm sóc. Hoàng thấy vậy, vừa thương vợ, vừa khuyên can mẹ hết lời. Thế nhưng anh vẫn không thể khiến mẹ mình thay đổi cách suy nghĩ và đối xử với vợ.
Hơn 5 năm liền sống trong buồn khổ, Thảo không ngừng cố gắng chiều ý mẹ chồng để gia đình thuận hòa, êm ấm. Đến cuối cùng, sao một trận cảm nặng, mẹ chồng cô nằm ốm liệt giường. Lúc đó chỉ có Thảo sẵn sàng nâng giấc sớm khuya, không ngại vất vả chăm sóc mẹ chồng.
Nằm trên giường bệnh, nhìn con dâu tiều tụy, vừa chăm con ốm, vừa chăm sóc cho mình, mẹ chồng cất tiếng: "Con không trách mẹ đối xử với con không tốt bao năm qua ư?", mẹ chồng thều thào cất tiếng.
Thảo liền quay lại ngồi cạnh giường mẹ chồng: "Con trách mẹ sao được, làm mất đứa cháu mẹ mong đợi nên khiến mẹ thất vọng. Đối với con, nhà chồng là nhà mình, mẹ chồng cũng là mẹ mình. Con chỉ mong sao gia đình mình thuận hòa, mẹ mau khỏi bệnh để chăm cháu cho con đi làm…", câu nói thấu tình đạt lý kèm nụ cười của cô con dâu thôn quê khiến mẹ chồng ứa nước mắt.
Một phần vì không biết quý trọng con dâu tốt, chỉ mong ngóng có cháu mà không nghĩ đến nỗi khổ phận làm dâu. Một phần vì cảm nhận được tình cảm chân tình của con dâu trong việc vun vén hạnh phúc gia đình. Đến lúc này bà chỉ mong sao mình mau khỏe mạnh để cùng con dâu lo toan việc nhà trước khi Tết đến!
Theo Linh Lan (Helino)