Tiểu Linh năm nay 26 tuổi, là một lập trình viên cao cấp ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, mỗi ngày anh làm việc trung bình từ 14 - 18 tiếng. Giờ hành chính thì đi làm ởcông ty lớn, về nhà lại nhận thêm dự án ngoài. Ngoài thời gian sinh hoạt cá nhân, anh chỉ ngủ nhiều nhất 5 tiếng 1 ngày.
Đối với việc ăn uống, anh cũng vô cùng tùy tiện, gần như chỉ gọi đồ ăn ngoài. Trời nóng thì uống thêm nước ngọt có ga, cà phê đá, trà sữa. Trời lạnh thì lúc nào trên bàn làm việc cũng phải có một ly cà phê nóng hổi, hết lại pha thêm. Đêm đến là bắt đầu gọi gà rán, mì hải sản, không thì úp mì ăn liền để chống chọi với cơn buồn ngủ.
Xuất thân từ một gia đình làm nông nghèo khó, Tiểu Linh lúc nào cũng đau đáu ước mơ thoát nghèo, mua nhà, mua xe, đưa cả nhà lên thành phố sống. Cũng vì vậy mà anh chẳng màng yêu đương, ngày đêm bán mạng làm việc, cũng rất ít khi về thăm gia đình.
Nhân dịp Tết Trung thu, Tiểu Linh cố gắng lắm mới sắp xếp được một ngày chủ nhật để về nhà. Hôm đó, vì quá buồn tiểu mà nhà vệ sinh lại xa nên anh đánh liều đi tiểu ngay cạnh cổng nhà. Đúng lúc mẹ Tiểu Linh đi làm đồng về tới, vô tình thấy kiến bu kín chỗ nước tiểu thì vội vã gọi con trai quay lại xem.
Cả đêm hôm đó, Tiểu Linh trằn trọc không sao ngủ được. Tra cứu internet theo triệu chứng trên thì ra toàn ung thư và bệnh hiểm nghèo. Hơn nữa, đã lâu anh không đi khám sức khỏe, gần đây lại bị sụt cân bất thường, thị lực cũng ngày càng suy giảm. Vậy là sáng hôm sau vừa về tới Thâm Quyến, anh liền xin nghỉ rồi đi thẳng một mạch đến bệnh viện.
Bác sĩ cho biết, Tiểu Linh mắc bệnh tiểu đường giai đoạn 3, khó kiểm soát do biến chứng từ nhiễm toan ceton. Mục tiêu chữa trị lúc này không còn đơn thuần là hạ đường huyết mà phải hướng tới việc cải thiện và phòng biến chứng tiến triển nặng như suy thận, suy tim, xuất huyết võng mạc, liệt dạ dày, đột quỵ...
Nhưng do đặc thù công việc và thái độ chủ quan vì còn trẻ tuổi, thời gian sau đó Tiểu Linh vẫn không bỏ được những thói quen xấu và dùng thuốc hạ đường huyết không thường xuyên. Dẫn đến cuối tháng 9/2021, anh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Chỉ số đường trong nước tiểu của anh lên tới 56mmol/L, tức cao gấp hơn 20 lần so với mức thông thường là từ 0 - 2,7mmol/L. Bác sĩ còn phát hiện Tiểu Linh bị béo phì với BMI đạt 31,5 và mắc một loạt bệnh chuyển hóa liên quan như huyết áp cao, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng dạ dày nặng.
Ngày 18/11/2021, anh được phẫu thuật dạ dày và may mắn là ca mổ nội soi thành công tốt đẹp. Các bác sĩ cho biết, dù được xuất viện sau đó 3 ngày nhưng khả năng Tiểu Linh phải quay lại bệnh viện để phẫu thuật các bộ phận bị biến chứng khác trong tương lai gần là rất cao.
Tiểu Linh cũng vô cùng hối hận vì lối sống không lành mạnh và những sai lầm khi điều trị bệnh của mình. Anh hứa nhất định sẽ dùng thuốc đúng giờ và nghe lời bác sĩ. Đồng thời, anh cũng nhắc nhở các bạn trẻ hãy quý trọng bản thân, đừng giống như anh để rồi cả đời sống trong bệnh tật và đau đớn vì tiểu đường.
Biến chứng đái tháo đường ở người trẻ rất nguy hiểm
Các nghiên cứu cho thấy, người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, tỉ lệ biến chứng rất cao, thời gian dẫn đến biến chứng sớm và tiến triển nặng hơn.
Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường có thể gặp như tổn thương giảm thị lực, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân, tổn thương thận dẫn đến suy thận, xơ vữa mạch máu gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não và có thể gây tử vong.
Đối với mẹ bầu, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ rất lớn nếu không kiểm soát tốt đường huyết. Thai phụ bị tiểu đường, những tuần đầu có thể gây sảy thai, thai chết lưu, có nhiều trường hợp hỏng thai liên tiếp nhiều lần. Một số trường hợp rất đáng tiếc, thai chết lưu ở tuần 37 - 38 và mẹ bị hôn mê do chỉ số đường huyết quá cao.
Cách kiểm soát đường huyết không dùng thuốc
Lợi ích của việc tự kiểm soát đường huyết là rất lớn nên làm thế nào để kiểm soát đường huyết an toàn và hiệu quả là câu hỏi của nhiều bệnh nhân đái tháo đường. Dưới đây là một số gợi ý để mọi người tham khảo và áp dụng trong đời sống hàng ngày:
Uống nhiều nước hàng ngày
Trong cơ thể người bị đái tháo đường, lượng đường huyết tăng dẫn đến quá trình đào thải nước tiểu gia tăng với mục đích đưa lượng đường ra ngoài cơ thể. Lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài nhiều có thể dẫn tới mất nước cơ thể.
Khi cơ thể bệnh nhân tiểu đường mất nước có thể dẫn đến tình trạng cô đặc máu, tăng nồng độ chất hòa tan gây khó khăn cho việc đào thải lượng đường thừa và các chất cặn bã khác, dẫn đến nguy cơ hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu và nhiễm toan ceton.
Trung bình một người khỏe mạnh cần uống từ 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày. Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần uống nhiều hơn để bù lại lượng nước bị mất đi. Việc bổ sung lượng nước giúp làm tăng lưu lượng máu, cải thiện tốc độ tuần hoàn ngoại vi, ngăn sự phát sinh và phát triển các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
Bổ sung nhiều chất xơ
Nhiều nghiên cứu cho rằng nếu ăn nhiều chất xơ sẽ giúp đường huyết ổn định hơn. Chất xơ không tạo năng lượng, làm mau no, giúp làm chậm hấp thu các chất bột đường trong ruột, kích thích hoạt động co bóp của ruột và tiêu hóa các thức ăn khác.
Chất xơ thường có nhiều trong các loại rau lá xanh, củ quả, trái cây có vỏ, các loại đậu, khoai, gạo lứt...Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới, những người mắc bệnh đái tháo đường nên bổ sung ít nhất 25g chất xơ hàng ngày, điều này giúp insulin hoạt động tốt hơn và làm thức ăn chậm xuống ruột hơn, giúp đường máu sau ăn không tăng nhanh.
Nếu chưa có thói quen ăn chất xơ thì nên khởi đầu bằng lượng nhỏ, sau đó tăng dần lượng kết hợp với uống nhiều nước (ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày) sẽ giảm đầy bụng, khó tiêu, giảm chỉ số HbA1c ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong việc điều trị đái tháo đường thì chế độ ăn giữ vai trò rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân thường trải qua tình trạng mức đường huyết tăng cao sau bữa ăn, do vậy cần đặc biệt lưu ý:
Chia nhỏ các bữa ăn, tốt nhất nên chia thành 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ với lượng calo phân bổ trong các bữa ăn hợp lý.
Duy trì ăn đúng giờ và đều đặn giữa các bữa, không bỏ ăn ngay cả khi bệnh nặng hoặc không muốn ăn.
Giữ lượng tinh bột ổn định ( chiếm 50-60% nhu cầu) và phù hợp bằng cách thay thế thức ăn giàu chất bột đường (gạo trắng, bánh mì, xôi, mì tôm..) bằng cách chọn dùng thức ăn có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, khoai sọ, khoai tây, ngũ cốc thô.
Không dùng đồ ăn, đồ uống có đường hóa học như nước ngọt có gas, bánh kẹo, bia rượu, sữa chế biến, trái cây đóng hộp...
Nên ưu tiên bổ sung trái cây (chín ươm),rau xanh để cung cấp vitamin. Tuy nhiên nên tránh các loại hoa quả chin, mềm có độ ngọt quá cao như: xoài, nhãn, sầu riêng...
Hạn chế tối đa chất béo từ động vật, thay thế bằng dầu thực vật như dầu olive, dầu đậu nành, dầu mè...nên hạn chế đồ chiên xào, độ béo cao.
Theo nghiên cứu, nếu uống 1 cốc rượu vang đỏ khoảng 150ml mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
Thường xuyên vận động, thể dục
Việc rèn luyện thể lực, vận động giúp gia tăng sức chịu đựng cho tim và điều hòa đường huyết tốt hơn. Tùy vào khả năng và thể trạng từng người mà bác sĩ khuyến nghị nên hoạt động thể dục, thể thao tối thiểu 30 phút/ngày. Tập thể dục rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường vì hoạt động này giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng hơn, giảm lượng đường trong máu. Bệnh nhân có thể cân nhắc những bộ môn như: đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp, bơi lội...tùy theo sở thích và khả năng của mình.
Kiểm soát tốt stress
Lượng đường huyết cũng bị tác động nếu có sự căng thẳng tâm lý, stress ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi bị stress, cơ thể có xu hướng tăng tiết cortisol - 1 loại hormone đối kháng làm giảm nhạy insulin, dẫn tới đường huyết có xu hướng gia tăng.
Tình trạng stress cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi người bệnh, dẫn tới những thói quen có hại như: tiêu thụ cafe, thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhanh, ngại tập thể dục vận động...càng khiến cơ thể khó ổn định đường huyết hơn.
Bệnh nhân đái tháo đường nên có lối sống lạc quan, thư giãn, vui chơi, giải trí lành mạnh, tập thể dục thường xuyên hoặc thiền để giúp cân bằng tâm lý, cảm xúc tốt hơn.
PN (Nguoiduatin.vn)