Cuộc sống hôn nhân để hòa hợp mối quan hệ vợ chồng đã khó, dung hòa với cả hai bên nội ngoại càng khó hơn. Như chia sẻ của gia đình Tùng và Thảo Anh dưới đây sẽ khiến nhiều người thấy câu chuyện của gia đình mình trong đó.
Người chồng khó khăn bên nội và bên ngoại
Tùng và Thảo Anh kết hôn được khoảng hơn 2 năm, để thuận tiện cho công việc nên hai bạn ra thuê nhà ở riêng và thường về quê mỗi cuối tuần. Với nhiều người, lấy chồng gần là niềm hạnh phúc nhưng với Thảo Anh thì không hề như vậy: “Vì nhà bố mẹ đẻ cách nhà chồng chỉ khoảng 5km, mỗi lần chồng đi công tác mình muốn về thăm bố mẹ mình thì lại phải vòng qua nhà chồng một chút, mua gì cũng phải chia đều như nhau nếu không lỡ ai thấy lại bảo chỉ biết đến bố mẹ đẻ thì không hay chút nào” – Thảo Anh chia sẻ.
Dường như thấy vợ không thoải mái mỗi lần về quê, nhiều lần Tùng nhắc nhở nhưng cũng không thay đổi. Thậm chí có lần trên đường về Hà Nội cả hai đã lớn tiếng với nhau chỉ vì Thảo Anh muốn qua nhà ngoại chơi một chút nhưng Tùng lại không đồng ý dù không hề vướng bận việc gì.
Bình thường cả hai vẫn biếu bố mẹ chồng tiền tiêu vặt, có đợt mẹ Thảo Anh ốm cô nàng cũng muốn biếu bố mẹ đẻ để đỡ đần ông bà thuốc thang nhưng nhắc khéo mấy lần mà chồng không đả động gì.
Biết tính chồng như vậy nên mỗi tháng cô nàng đều giấu một chút dấm dúi cho bố mẹ đẻ. “Với mình chuyện biếu gia đình hai bên chẳng đáng là bao, ông bà cho cháu có khi còn nhiều hơn nhưng thái độ đối với bên nhà vợ của anh ấy thì thật sự không chấp nhận được” – Thảo Anh bức xúc.
“Chồng mình luôn có tính coi trọng bên nội hơn bên ngoại, lúc mình sinh con cũng vậy, anh ấy bảo đặt tên cẩn thận tránh trùng bên nội còn bên ngoại thì trùng cũng không sao. Mình thật sự không hiểu được sao anh ấy lại có suy nghĩ như vậy, dù bố mẹ mình đối xử với anh ấy không tệ chút nào” – Thảo Anh tâm sự.
Màn đáp trả quyết liệt của người vợ sau sự kiện "chia vải"
Tuần vừa rồi, biết bố mẹ chồng thích ăn vải Thảo Anh mua 10kg, chia đều ra hai túi tính cuối tuần mang về biếu hai bên. Tùng nhìn thấy thì hỏi rồi nói: “Sao lại biếu bằng nhau, em cho sang túi bên ông bà nội thêm đi. Nhà nội lại chả hơn à, anh nghĩ nhà nội còn phải gấp đôi nhà ngoại ấy”. Thảo Anh rất khó chịu vì thái độ đó của chồng nhưng cô không đáp lời.
Hôm sau cô nàng đi mua 5kg sầu riêng về, dõng dạc bảo với chồng: “Đúng yêu cầu của chồng nhé, nhà nội gấp đôi nhà ngoại luôn. 10kg vải kia mai mình mang vào nhà ông bà nội. Túi sầu riêng nhỏ nhỏ này thì biếu ông bà ngoại”. Tùng nghe vợ nói thì cứng họng, vì vợ làm hoàn toàn đúng như lời anh nói.
Lúc này, Thảo Anh cũng bảo luôn rằng cách đối xử nội ngoại của cô là thật tâm và cảm thấy thoải mái. Cô không bao giờ coi trọng bên nọ hơn bên kia. Nếu như Tùng cứ chi li đến từng sự việc một thì cô cũng có cách của mình để ứng xử hai bên. Nghe thấy vậy, Tùng biết vợ không mấy hài lòng về mình nên "tém" lại.
Một lần khác Tùng đề cập đến chuyện mua nhà vì cả hai cũng không thể ở nhà thuê mãi được, vấn đề này hai gia đình cũng đã nói chuyện và bố mẹ hai bên sẽ cho chút ít để mua một căn chung cư trả góp.
Nhân cơ hội này, cô nàng "chỉnh" anh chồng luôn: “Bố mẹ em bảo cho 200 triệu nhưng em từ chối rồi anh ạ, em chỉ xin ông bà ngoại 100 triệu thôi. Em sợ cầm hết anh lại không vui vì còn phần ông bà nội cho nữa, Thế nào bên nội cũng cho nhiều hơn anh nhỉ”. Nghe vợ nói vậy Tùng tự thấy xấu hổ bởi thái độ từ trước đến nay của mình, anh chàng chỉ biết im lặng.
Anh cũng rõ luôn rằng bản thân cần nhìn nhận vấn đề một cách độ lượng và thoải mái hơn. Việc để ý, phân biệt sẽ chỉ càng khiến mối quan hệ vợ chồng xa cách.
Sau lần đó, Tùng bỏ hẳn thói so sánh nhà nội – nhà ngoại. Mua bất cứ món gì anh chàng cũng chủ động phần cho cả ông bà ngoại rồi cùng vợ mang sang.
Trong cuộc sống hôn nhân, mỗi gia đình nhỏ đều có những vấn đề của riêng mình không giống ai cả. Nhưng chịu đựng để chờ một ngày vỡ òa hay xử lý triệt để một cách khéo là lá lựa chọn của mỗi người. Muốn gia đình êm ấm hoà thuận, vui vẻ, hạnh phúc thì đừng so đo, lùi để tiến, nhịn để ấm êm.
Theo Hoàng Dung (Pháp Luật & Bạn Đọc)