Hôn nhân không phải là trò đùa. Chỉ khi nào tình yêu có đủ, con người ta mới nghĩ đến chuyện kết hôn. Đừng bao giờ nghĩ nó là một loại ép buộc, vì lí do nọ, lí do kia mới phải bắt đầu hôn nhân.
Nhiều cô gái trẻ chưa suy nghĩ kỹ càng khi quyết định kết hôn. Sau đó là hàng loạt những nỗi niềm hối hận. Vậy mới nói, các cô gái trẻ, những người thuộc thế hệ Gen-Z hãy học cách suy nghĩ thật sự kỹ càng. Nếu lựa chọn sai khi kết hôn, cuộc đời bạn cũng rẽ hướng. Hướng đi đó có thể đau đớn và cay đắng hơn nhiều.
Mới đây, một cô gái đăng tải bài viết chia sẻ chuyện hôn nhân. Cô kết hôn từ năm 21 tuổi và cuộc sống sau đó chỉ toàn cay đắng. Chuyện như sau:
“Chào mọi người mình năm nay 24 tuổi, kết hôn cũng được 3 năm rồi hôm nay tâm trạng buồn buồn muốn lên tâm sự với mọi người.
Đời người con gái kết hôn là chuyện hệ trọng còn đối với mình như trò hề vậy. Mình bầu trước khi cưới. Do năm đó anh trai chồng làm nhà nên mẹ chồng không cho chúng mình tổ chức cưới trong cùng một năm mà chỉ ăn hỏi rồi đi đăng kí kết hôn đợi năm sau mới đám cưới.
Hôn lễ của mình diễn ra khi con gái mình tròn một tháng tuổi, không xe hoa không nhẫn cưới không phòng tân hôn. Đó là ngày cưới của mình. Đêm đầu về nhà chồng, chồng mình bỏ hai mẹ con lủi thủi trong phòng để đi uống rượu ốc với bạn bè. Đêm đấy mình đã khóc rất nhiều phần vì nhớ nhà phần vì tủi thân.
Lúc mình bầu anh cũng không chăm mình được ngày nào cả ngay cả việc đi khám thai định kì cũng là một mình tự đi. Thèm gì muốn ăn gì, thiếu sắt thiếu canxi nhờ anh mua anh cũng bảo tự đi xe mà mua.
Ngày mình sinh bé anh lên với mình được ba ngày rồi sau đó mất tích không liên lạc cho đến lúc con mình được gần một tháng. Sau này cưới về chung một nhà rồi lại bắt đầu chuỗi ngày cứ đến cuối tuần là anh qua đêm ở bên ngoài không về.
Lần nào mình cũng chờ đến gần sáng và thiếp đi trong mệt mỏi và nước mắt. Anh chưa bao giờ phụ giúp mình chăm con cũng như trông con với mình. Trong suốt quá trình trưởng thành của con mình hình ảnh bố nó mờ nhạt đến nỗi con mình nhìn thấy bố là khóc theo hàng xóm còn hơn theo bố.
Do đến thời gian mình đi làm nhưng bà nội không trông con cho nên mình đã xin phép bà cho hai mẹ con mình về ngoại để gửi con. Nhà ngoại cách nhà nội có 3km nhưng anh chẳng bao giờ sang thăm con.
Có khi mình đi cả tháng không về anh cũng chẳng thèm sang ngó con lấy một cái, có chăng là gọi điện sang hỏi con ra sao rồi thôi. Anh coi trọng mối quan hệ xã hội có khi là hơn cả mẹ con mình. Anh có thời gian hỏi thăm cô bạn cùng công ty nhưng chẳng có thời gian hỏi thăm con.
Anh có thời gian đi uống rượu đi chơi nhưng lại chẳng thể dành nó cho đứa con nhỏ của mình.
Hôm nay, mình kể câu chuyện của một đứa ngốc như mình để làm gương cho các bạn trẻ. Hôn nhân chẳng bao giờ có màu hồng như các bạn nghĩ đâu hãy tỉnh táo khi đưa ra quyết định của cuộc đời mình nhé”.
Việc kết hôn chưa bao giờ là một trò đùa. Với những người trẻ tuổi, có khi họ chưa lường trước được hôn nhân thế nào, việc đối nội, đối ngoại sau đó ra sao. Và thêm một điều cần nhắc đến nữa chính là việc họ chưa hiểu được người mình sẽ cưới đã đủ tốt chưa, đủ uy tín, đủ trưởng thành để làm một người chồng có trách nhiệm hay chưa.
Cô vợ trong câu chuyện này đã có 3 năm hôn nhân toàn những điều đau khổ. Khởi đầu cho đám cưới ấy là sự trơ trụi, thiếu thốn đến kinh ngạc. Đó có lẽ là thời điểm mà người vợ nhận ra rằng chặng đường từ đó về sau sẽ chẳng có mấy niềm vui. Và suốt 3 năm tiếp theo, người chồng đã mang đến những trải nghiệm quá buồn, khiến cô hoàn toàn mất niềm tin vào hôn nhân.
Đây cũng là một bài học lớn dành cho thế hệ trẻ khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của việc kết hôn, lập gia đình. Hãy suy xét kỹ lưỡng đối phương, gia đình đối phương trước khi quyết định. Đừng dại dột "nhắm mắt đưa chân" để rồi bản thân bước vào tình trạng buộc phải nghe theo sắp đặt có sẵn, không có đường lùi.
Theo An Thanh (Pháp Luật & Bạn Đọc)