Muối ăn không đơn thuần chỉ là một loại gia vị để cải thiện chất lượng món ăn, chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng nước trong và ngoài tế bào, duy trì áp lực thẩm thấu, duy trì điện thế tế bào...
Ở Việt Nam, một nghiên cứu do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy người Việt Nam tiêu thụ trung bình 9,4g muối/người/ngày - gần gấp đôi lượng muối khuyến cáo của WHO là 5g muối/ngày.
Chế độ ăn thừa muối làm hại dạ dày, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Nguy hiểm hơn, đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần bỏ ít muối hơn khi nấu ăn thì chúng ta đã hạn chế được số muối mình tiêu thụ, nhưng thực tế chúng ta còn cần từ bỏ những thói quen dùng muối dưới đây nữa nếu không muốn gây hại cho cả gia đình.
1. Dùng muối để chấm mọi loại thực phẩm
Mọi gia đình Việt đều có thói quen đặt một bát nước chấm như mắm, muối, xì dầu, tương ớt... trên mâm cơm để chấm dù món ăn đã khá mặn hay đã được tẩm ướp. Chính những thói quen này đã khiến cho lượng muối chúng ta tiêu thụ hàng ngày tăng cao quá mức, từ đó tăng rủi ro về bệnh dạ dày, tim mạch, huyết áp...
Theo các chuyên gia, để hạn chế lượng muối ăn, mọi người cần tập thói quen không để bát chấm, gia vị trên mâm cơm. Thay vào đó, có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để tăng cảm giác ngon miệng. Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn vào gia vị mặn trước khi ăn thì bạn nên chấm nhẹ nhàng.
2. Lạm dụng các thực phẩm chứa nhiều muối mà không biết
Nhiều người đang hiểu sai về khái niệm tiêu thụ muối. Cho rằng tiêu thụ muối nghĩa là sử dụng muối trắng, mà không biết muối còn có mặt trong nước mắm, mắm tôm, nước tương... cùng rất nhiều loại thực phẩm khác, điều đó khiến cho bản thân tiêu thụ vượt quá lượng muối cho phép mà không biết.
Một số món ăn chứa nhiều muối mà bạn chưa chắc đã biết:
- Các món muối thực phẩm để lên men (dưa muối, cà muối, kiệu, dưa chuột muối…) là thực phẩm chứa nhiều muối. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g dưa chuột muối chứa khoảng 2,5gr muối.
- Dù đem lại cảm giác ngon miệng cho người ăn xong các loại thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… cũng có chứa muối.
- Trong 1 bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200ml nước dùng) chứa khoảng 2-4gr muối.
- Trong gói bim bim 48g có tới gần 900mg muối. Trong 1 chiếc bánh gạo chỉ nặng 3g có tới 195mg muối.
Ngoài ra pizza, nước sốt cà chua đóng hộp cũng là những thực phẩm chứa "đẫm" muối.
3. Sử dụng muối để rửa và ướp thực phẩm
Muối không chỉ được người Việt sử dụng để nêm nếm món ăn mà còn được dùng để khử trùng (ngâm rau sống) hay khử mùi hôi, tanh của thịt, cá. Thực tế, thói quen này có thể gây ra nhiều hệ lụy. Lượng muối sử dụng để ngâm hay ướp sẽ ngấm vào thực phẩm, khi chế biến, chúng ta tiếp tục nêm nếm muối/mắm vào món đó khiến lượng muối trong món ăn bị nhân lên gấp đôi.
4. Loại bỏ hoàn toàn muối ra khỏi chế độ ăn
Dùng muối quá nhiều chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe nhưng ngược lại, nếu ăn quá ít muối sẽ khiến cơ thể bạn trở nên mệt mỏi, chán ăn và suy giảm các chức năng nội tạng.
Theo Dan Zuccarello (một chuyên gia thực phẩm, tác giản của cuốn sách American Test Kitchen) cho biết: Muối cực kỳ quan trọng vì nó có tác dụng điều vị, cải thiện chất lượng món ăn. Hiện có nhiều người ăn kiêng cực đoan đến mức loại bỏ hoàn toàn muối ra khỏi chế độ ăn, điều này vừa khiến bạn cảm thấy không ngon miệng, lại vừa gây suy kiệt cơ thể. Tốt nhất bạn nên sử dụng muối dưới 5g/ngày theo khuyến cáo của WHO.
5. Bảo quản muối không đúng cách
Theo tờ Eathis, thành phần của muối ăn có chứa natri clorua (NaCl), ngoài ra chúng còn chứa các khoáng chất vi lượng khác. Nếu muốn giữ được dinh dưỡng và chất lượng của muối, bạn cần bảo quản chúng đúng cách. Muối cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh nơi có nhiều hơi ẩm, nếu không các phân tử trong muối sẽ hút các phân tử nước và biến chất, hư hỏng.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)