Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) khiến các vi khuẩn thường nằm trong ruột xâm nhập vào niệu đạo, nơi nước tiểu thoát ra ngoài. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK) trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nếu không được đưa ra ngoài qua đường tiểu hoặc bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch, những vi khuẩn này sẽ tấn công đường tiết niệu. Nhiễm trùng có xu hướng xuất hiện chủ yếu ở niệu đạo, gây viêm niệu đạo và bàng quang.
Đôi khi UTI liên tục tái phát, dẫn tới tình hiện tượng nhiễm trùng mãn tính. Sandip Vasavada, chuyên gia y khoa kiêm trưởng khoa tiết niệu tại Trung tâm Tiết niệu và Phẫu thuật tái tạo vùng chậu trực thuộc Viện Cleveland cho biết, nhiễm trùng đường tiết niệu có xu hướng xuất hiện trở lại hai lần trong vòng sáu tháng hoặc ba lần trong vòng một năm. Dưới đây là tổng hợp một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này và lời khuyên đến từ các chuyên gia:
Cấu tạo cơ thể
Theo Elodi Dielubanza, chuyên gia y khoa, phó giáo sư tại Trường Y Harvard kiêm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Brigham and Women, cấu tạo cơ thể là yếu tố lớn nhất làm tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu.
E.coli, loại vi khuẩn chủ yếu dẫn tới UTI, có tự nhiên trong đường tiêu hóa và phân. Chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu do khoảng cách giữa hậu môn và niệu đạo của phụ nữ cực kỳ ngắn. Trên thực tế, vi khuẩn E.coli coi niệu đạo như một chiếc thang tự nhiên để leo lên bàng quang. Trong khi đó, khoảng cách này lớn hơn nhiều ở nam giới nên phái mạnh ít khi phải đối mặt với nhiễm trùng đường tiết niệu.
Không vệ sinh trong chuyện chăn gối
Viện Mayo giải thích, quá trình “vận động” có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp cận niệu đạo một cách dễ dàng. Theo chuyên gia Vasavada, vùng kín bị xâm nhập sẽ đẩy một số vi khuẩn xung quanh hậu môn hoặc âm đạo lên khu vực niệu đạo. Ngoài ra, những hoạt động nhằm tăng kích thích như dùng “đồ chơi”, ngón tay cũng có thể làm tái mắc UTI.
Qua thời kỳ mãn kinh
Sovrin M. Shah, bác sĩ kiêm phó giáo sư khoa tiết niệu tại Trường y Icahn ở Mount Sinai cho biết, không ít người có quan niệm sai lầm rằng nhiễm trùng đường tiết niệu là chỉ bệnh của người trẻ tuổi. Trên thực tế, tình trạng này hoàn toàn có thể xuất hiện ở người đã trải qua thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự suy giảm estrogen. Bác sĩ Shah giải thích, thiếu hụt hormone này làm ảnh hưởng tới hoạt động của đường tiết niệu, từ đó gia tăng nguy cơ phải đối mặt với UTI.
Mắc một số vấn đề sức khỏe
Một trong những nguyên nhân phổ biến khác gây nhiễm trùng đường tiết niệu là bí tiểu, suy giảm khả năng làm trống bàng quang. Theo chuyên gia Vasavada, ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công một cách dễ dàng.
NIDDK cho biết, những người bị chấn thương tủy sống hoặc tổn thương dây thần kinh xung quanh bàng quang, mắc sỏi thận hoặc các bệnh khác liên quan tới đường tiểu cần lưu ý đầu tiên. Ngoài ra, bệnh tiểu đường và một số vấn đề sức khỏe cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó góp phần khiến nhiễm trùng đường tiết niệu dễ tái phát.
Di truyền
Ngay cả khi không nằm trong những trường hợp kể trên, bạn vẫn có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng này. Yếu tố di truyền góp phần không nhỏ gây tái phát UTI. Doreen Chung, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tiết niệu tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian trực thuộc Đại học Columbia đã chỉ ra, một số người sở hữu các tế bào chứa thụ thể mà vi khuẩn có thể dễ dàng “dính” vào. Lớp niêm mạc của bàng quang và niệu quản ở những người này giống như một miếng dán lớn thu hút mầm bệnh.
Biện pháp ngăn ngừa UTI tái phát
Chuyên gia Vasavada khuyên, uống nhiều nước, tránh nhịn tiểu và vệ sinh sạch sẽ sau khi đi ngoài là nguyên tắc cơ bản để phòng chống UTI. Việc làm này vừa không quá khó thực hiện vừa tạo thói quen tốt sau này.
Uống đủ nước và đi vệ sinh thường xuyên rất hữu ích trong việc ngăn ngừa vi khuẩn từ nước tiểu ứ đọng xâm nhập vào cơ thể. Trong khi đó, vệ sinh thường xuyên sẽ tránh mầm bệnh di chuyển từ hậu môn lên niệu đạo.
Nếu bạn đang trong thời kỳ tiền mãn kinh, bổ sung estrogen là việc làm cần thiết nhằm giảm khả năng tái phát UTI. Đồng thời, đừng ngại ngần tới gặp bác sĩ để được tư vấn trong trường hợp tình trạng này không có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy UTI có thể được điều trị bằng thuốc, phòng ngừa vẫn là việc làm quan trọng nhất. Lạm dụng thuốc kháng sinh rất dễ dẫn tới các phản ứng phụ và tăng khả năng kháng thuốc.
Theo Mai Nhung (Phunuvietnam.vn)