Theo báo cáo từ Trung Quốc vào năm 2017, đồng hồ ung thư ở nước này đã quay nhanh hơn 16 giây so với trước đây, trung bình cứ 4 phút 42 giây lại có 1 người mắc bệnh ung thư.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) - một bộ phận thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, xung quanh cuộc sống của chúng ta có rất nhiều tác nhân gây ung thư. Được chia thành các nhóm rất cụ thể như sau:
- Nhóm 1: Bao gồm chất (hoặc hỗn hợp) mà chắc chắn gây ung thư cho người. Khi bị phơi nhiễm thì chắc chắn sẽ gây ung thư cho người.
- Nhóm 2A: Những chất (hoặc hỗn hợp) hầu như chắc chắn gây ung thư cho người. Khi bị phơi nhiễm hầu như chắc chắn sẽ gây ung thư cho người.
- Nhóm 2B: Những chất (hoặc hỗn hợp) có thể gây ung thư cho người. Khi bị phơi nhiễm có thể sẽ gây ung thư cho người.
- Nhóm 3: Những chất (hoặc hỗn hợp hoặc tình huống phơi nhiễm) không thể xếp loại vào tác nhân có thể gây ung thư cho người.
Trong các nhóm trên thì nhóm số 1 là nguy hiểm nhất. Một số tác nhân gây ung thư thuộc nhóm này có thể kể đến là:
- Độc tố nấm mốc aflatoxin: Đậu phộng, dầu đậu phộng, bắp, gạo bị mốc.
- Nitrosamine: Các thực phẩm hư hỏng, như rau, cá, sữa trứng và sữa hỏng.
- Điôxin: Sinh ra do đốt nhựa đường và nhựa.
- Nicotine: Thuốc lá.
- Benzopyrene: Thực phẩm nướng, chiên.
- Natri nitrit: Muối công nghiệp, rau tươi ngâm chua.
Ngoài ra, còn một số tác nhân khác rất phổ biến nhưng nhiều người chưa biết đến như: Rượu, cá muối, tia cực tím, đốt than trong nhà, công nghiệp cao su...
5 tác nhân gây ung thư có mặt ngay trong gia đình, nên tránh càng xa càng tốt
Tác nhân gây ung thư không phải thứ gì xa xôi mà có mặt rất bổ biến trong cuộc sống. Các chuyên gia cho rằng mỗi người đều có thể chủ động phòng ngừa chúng, đặc biệt là nên tránh xa 5 thứ quen thuộc dưới đây,
1. Khói thuốc: Chứa hơn 7.000 chất hóa học
Khói thuốc đã được IARC thuộc WHO xếp vào danh sách nhóm 1 các chất, hỗn hợp gây ung thư. Khói thuốc có chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 93 chất là có khả năng gây ung thư. Kể cả khi điếu thuốc bị dập tắt, các chất độc hại vẫn có thể tồn tại, ẩn chứa tới 11 hợp chất gây ung thư cực cao.
Theo Cancer.org, hút thuốc lá thụ động có thể khiến người lớn, đặc biệt là phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư họng, ung thư thanh quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư não. Còn với trẻ em, nếu thường xuyên phải hít khói thuốc lá của bố, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan, bạch cầu, ung thư hạch, u não.
2. Ăn trầu: Chứa alcaloid
Hiện nay, nhiều người vẫn giữ thói quen ăn trầu cau mà không biết trong quả cau có chứa các thành phần chính như ancaloit và polyphenol. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh alkaloid là chất độc gây đột biến gen, và liên quan chặt chẽ nhất đến sự xuất hiện của bệnh ung thư. Khi nhai, miếng trầu cọ xát mạnh vào niêm mạc khoang miệng, gây tróc vảy ở lớp thượng bì hoặc tạo nên nhiều vết trầy xước. Thêm vào đó, độc tố có trong lá trầu, cau, vôi hay thuốc lào sẽ chà xát mạnh vào vùng bị tổn thương và gây ra trọng bệnh.
3. Nấm mốc
Bảo quản thực phẩm không đúng cách sẽ gây nấm mốc và sinh ra độc tố aflatoxin, độc tố này thuộc nhóm gây ung thư số 1, đặc biệt có hại cho gan và tăng khả năng ung thư gan. Hiện nay, không ít gia đình vẫn có thói quen tiết kiệm và sử dụng đồ ăn hỏng mốc, đây chính là thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ kích thích tế bào ác tính hình thành.
4. Rượu
Theo WHO, đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú. Trong đó, rượu là loại đồ uống có cồn tỉ lệ gây ung thư cao nhất. Trong khi hầu hết các loại ung thư đều gây ra do lượng tiêu thụ rượu quá lớn thì có nhiều trường hợp mắc ung thư vú chỉ vì thói quen uống một ly rượu mỗi ngày.
5. Benzopyrene
Benzopyrene tưởng chừng là một chất xa lạ nhưng thực tế vô cùng phổ biến trong cuộc sống. Chất này có thể được tìm thấy trong than đá, khói thuốc lá và nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là thịt nướng như gà nướng, cá nướng, sườn nướng - những món ăn yêu thích của nhiều người.
Ít ai biết, IARC đã xếp benzopyrene vào nhóm 1 về gây ung thư cho con người với những bằng chứng rõ ràng về tác hại đối với sức khỏe.
Những cách cơ bản để ngăn ngừa ung thư
Nhìn chung, ung thư là căn bệnh xuất phát từ nhiều yếu tố. Cơ thể chúng ta không thể mắc bệnh chỉ vì một nguyên nhân đơn giản nào đó, vì thế để có thể phòng bệnh hiệu quả thì mỗi người cần thay đổi tất cả mọi thói quen trong cuộc sống.
Cụ thể là:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm.
- Bổ sung dinh dưỡng cân đối.
- Bỏ thuốc lá.
- Không ăn trầu.
- Tập thể dục đều đặn.
- Giữ tinh thần lạc quan.
- Luôn ngủ đủ giấc.
- Chủ động đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)