Đau thắt lưng nhưng cứ lờ đi, người đàn ông không cử động nổi, phải nhập viện cấp cứu

20/06/2022 09:42:58

Người đàn ông đôi lúc cảm thấy đau thắt lưng nhưng không mấy để tâm cho tới khi vùng bụng dưới đau dữ dội, kèm theo buồn nôn, tím tái, không cử động được.

Anh Dương (40 tuổi, ở Đài Loan, Trung Quốc) hiện là nhân viên văn phòng, công việc vô cùng bận rộn. Mỗi khi ngồi vào bàn làm việc, anh thường làm liên tục 3-4 tiếng, không chịu đứng dậy, cũng không muốn đi vệ sinh. Anh còn không uống nhiều nước để hạn chế thời gian đi vệ sinh.

Gần đây, thỉnh thoảng anh cảm thấy đau thắt lưng nhưng chỉ nghĩ là do làm việc sai tư thế nên lờ đi. Mãi đến khi bất ngờ bị đau dữ dội ở vùng bụng dưới bên trái, kèm theo các triệu chứng buồn nôn, tím tái, không cử động được, anh mới bắt đầu hoảng sợ và lo lắng.

Người đàn ông 40 tuổi được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu. Qua chụp X-quang và siêu âm kiểm tra, bác sĩ phát hiện có một viên sỏi thận kích thước 1,5cm đã trượt vào niệu quản của anh Dương.

Chia sẻ về trường hợp nam bệnh nhân này, bác sĩ Trần Vĩ Kiệt – bác sĩ tiết niệu nổi tiếng ở Đài Loan, cho hay việc người bệnh cố tình uống ít nước kèm với nhịn tiểu thời gian dài dẫn đến hình thành sỏi đường tiết niệu. Nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ gây ra biến chứng rất tai hại.

"Sỏi đường tiết niệu là một bệnh phổ biến trong tiết niệu. Có nhiều lý do hình thành sỏi. Uống không đủ nước là nguyên nhân phổ biến nhất. Quá ít nước sẽ dẫn đến oxalate và phosphoric axit trong nước tiểu. Muối và muối canxi được cô đặc và kết tủa thành những tinh thể nhỏ, tạo thành những viên sỏi lớn hơn theo thời gian”, bác sĩ Trần Vĩ Kiệt giải thích.

Ông cho biết thêm: “Sỏi hình thành trong thận có thể di chuyển đến niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo cùng với nước tiểu, trong khi niệu quản và niệu đạo tương đối nhỏ và bị chặn nên các triệu chứng và biểu hiện rõ ràng hơn".

Đau thắt lưng nhưng cứ lờ đi, người đàn ông không cử động nổi, phải nhập viện cấp cứu
Người đàn ông thỉnh thoảng cảm thấy đau thắt lưng nhưng lờ đi vì nghĩ là do làm việc sai tư thế, không ngờ lại có một viên sỏi thận kích thước 1,5cm trượt vào niệu quản. Ảnh minh họa

Được biết, trong cơ thể con người có 60% là nước. Đây là thức uống cần thiết cho hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, nhất là thận. Nếu không uống nước hoặc không uống đủ nước thì có thể dẫn đến một số tác hại sau:

Chức năng thận bị ảnh hưởng

Nước giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu, nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước thì chất thải và axit có thẻ tích tụ trong cơ thể. Mất nước cũng có thể gây sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Sỏi tiết niệu là những khối tinh thể khoáng hình thành trong hệ tiết niệu gây những cơn đau cho người bệnh. Dạng phổ biến nhất là sỏi thận, hình thành trong thận. Cơ thể thiếu nước là nuyên nhân hàng đầu gây sỏi thận.

Ngoài ra, mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Thận giữ mức điện giải trong cơ thể ổn định khi chúng hoạt động bình thường. Nếu thận không thể duy trì sự cân bằng nồng độ các chất điện giải thì có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Mất nước còn có thể gây suy thận, nguy hiểm đến tính mạng.

Mệt mỏi, giảm hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất có thể bị ảnh hưởng nếu bạn không uống đủ nước, nhất là khi bạn tập thể dục cường độ cao hoặc ở trong môi trường nhiệt độ cao. Tình trạng mất nước dẫn đến việc kiểm soát nhiệt độ cơ thể bị thay đổi, giảm động lực và tăng mệt mỏi, ngoài ra có thể khiến việc tập thể dục trở nên khó khăn hơn.

Gây táo bón

Cơ thể không được cung cấp đủ nước là một trong những nguyên nhân khiến bạn mắc táo bón. Thói quen uống nhiều nước giúp bổ sung nước cho cơ thể, có thể giúp ngăn ngừa và giảm táo bón. Theo các nghiên cứu, nước khoáng giàu magiê và natri giúp cải thiện tần suất chuyển động của ruột và tính nhất quán ở những người bị táo bón.

Chức năng não có thể bị suy giảm

Các nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể gây suy giảm nhiều hoạt động của chức năng não. Trong một nghiên cứu ở phụ nữ trẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện lượng chất lỏng mất đi 1,4% sau khi tập thể dục làm suy giảm cả tâm trạng và sự tập trung, đồng thời tăng tần suất đau đầu.

Một nghiên cứu tương tự ở những người đàn ông trẻ tuổi cũng cho thấy lượng chất lỏng mất đi 1,6% có hại cho trí nhớ, khả năng làm việc và tăng cảm giác lo lắng, mệt mỏi.

Ảnh hưởng sức khỏe của khớp

Sụn trong các khớp và đĩa đệm của cột sống chứa khoảng 80% nước. Mất nước trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng hấp thụ của khớp, dẫn đến đau khớp.

Da nhanh bị lão hóa

Da của bạn dễ bị tổn thương hơn khi cơ thể mất nước. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến da mất sự đàn hồi, dễ bị tác động bởi môi trường, đặc biệt rất nhanh bị lão hóa, nhăn da. Theo khuyến cáo chung, một người khỏe mạnh bình thường nên uống khoảng 8 ly nước, tương đương 2 lít nước mỗi ngày.

Theo Đinh Kim (Đời Sống & Pháp Luật)