Em là người Quảng Ngãi, ra Hà Nội học tập và làm việc. Nhà chồng em ở một huyện nghèo của tỉnh Nam Định. Sau khi cưới xong, vợ chồng em không về quê mà thuê nhà tại Hà Nội để sinh sống.
Năm ngoái, em là dâu mới. Lần đầu tiên ăn Tết ở quê chồng nên cảm giác trong em hồi hộp và háo hức lắm. Gần đến Tết, em bàn với chồng đi siêu thị mua một số đồ ăn, quà bánh để thắp hương và biếu bố mẹ. Ngoài ra, em còn dặn chồng chuẩn bị tiền mừng tuổi bố mẹ.
Thế nhưng khi em vừa nói chuyện xong, chồng em liền cười tủm tỉm. Anh bảo: “Bố mẹ mình ở quê đồ ăn thức uống vừa rẻ, sạch, vừa đảm bảo mua ngoài này vừa đắt lại không chắc nguồn gốc thế nào. Năm nào Tết nhất, anh cũng biếu bố mẹ vài hộp bánh và ít tiền để mua sắm.
Vợ chồng mình làm thuê vất vả, tiền kiếm được còn tiết kiệm để trả tiền thuê nhà và chi tiêu các khoản khác. Mình cứ mua quà đẫy đà về, bố mẹ vừa không vui, lại còn trách mắng mình không biết chi tiêu”.
Em mới về làm dâu, chưa hiểu hết tập tục nhà chồng ở miền Bắc thế nào vậy nên khi nghe chồng nói như vậy thì cũng xuôi lòng. Cận Tết vì bận rộn với công việc cuối năm, em cũng chỉ đáo qua chợ để mua vài hộp bánh thắp hương.
Đến 27 Tết, vợ chồng em về quê. Khi em vừa về đến cổng, mẹ chồng em chạy ra tiếp đón rất đon đả. Tuy nhiên chỉ sau ít phút vui vẻ ấy, nụ cười trên môi bà bỗng nhiên tắt hẳn.
Em thấy như vậy thì cũng ngại nhưng không hiểu vợ chồng mình làm chuyện gì khiến bà phật lòng.
Sau đó em xin phép vào buồng sau để cất đồ và rửa mặt thì nghe phía trước nhà, mẹ chồng nói với bố chồng bằng cái giọng đầy hờn dỗi.
Bà nói: “Chả biết thế nào, thấy vợ chồng nó cầm về hai hộp bánh. Tôi cứ nghĩ năm nay dâu mới sẽ mua quà lớn, quà bé biếu bố mẹ, họ hàng. Ai ngờ... ”.
Em nghe những lời như vậy thì rất bất ngờ. Em vội vàng gọi chồng mình lại để nói chuyện. Khi nghe em tường thuật lại, chồng em bảo rằng mọi năm anh đều làm như thế và bố mẹ cũng không có ý kiến. Năm nay, bố mẹ cư xử như thế, anh cũng rất bất ngờ. Vừa nói, anh vừa rút từ trong túi ra số tiền 2 triệu đồng bảo em biếu Tết bố mẹ. Nói đoạn, chồng em cũng động viên vợ nên cố gắng vui vẻ.
Khi em ra phòng khách để thưa chuyện và biếu tiền, bố mẹ chồng tỏ ý rất hài lòng. Em cứ nghĩ chuyện quà Tết như vậy là ổn thỏa. Ai ngờ một lúc sau, chị gái chồng em đến chơi, ngó lên bàn thờ nhà em thì tỏ vẻ bất ngờ.
Chị ấy hỏi mẹ chồng em: “Sao vợ chồng cậu mợ về ăn Tết mà mua được chút quà thế? Dù gì vợ chồng cậu mợ cũng ở Hà Nội. Chả nhẽ cả năm không được mấy hộp bánh sang trọng?”.
Tức thì mẹ chồng em chẹp miệng. Bà nói: "Con mình thì còn dạy được chứ con người khác thì không biết thế nào. Ban đầu đã như thế này thì mẹ cũng chịu.
Hôm qua, nghĩ vợ chồng chúng nó sẽ mang về biếu ít hộp bánh đẹp, mẹ còn ra chợ mua sẵn ít túi bóng để đựng. Thế mà giờ chỉ có hai triệu và vài hộp bánh rẻ tiền, nghĩ mà buồn. Tý mày ra chợ mua cho mẹ một ít hộp mứt để mai còn đi biếu Tết họ hàng”.
Em nghe mẹ chồng nói mà sững sờ. Thực sự, em vừa về làm dâu, không hề biết đến chuyện mẹ chồng em đi biếu Tết họ hàng. Em thấy mẹ và chị gái chồng nói như vậy thì rất xấu hổ. Sau đó, em bảo với chồng chở ra em cửa hàng tạp hóa gần nhà để mua sắm.
Thấy vợ chồng em dắt xe đi, chị chồng em ra tận ngõ trách cứ và không quên dặn dò danh sách những người cần biếu để mua đồ khỏi thiếu sót. Em nghe chị ấy nói như vậy mà bần thần người.
Vợ chồng em tuy mang tiếng làm ở Hà Nội nhưng đồng lương nhân viên chỉ ngót nghét 5-6 triệu/tháng. Tết nhất cơ quan cũng chỉ thưởng ít tiền vậy mà không ai hiểu cho. Thấy em buồn vì chuyện này, chồng em cũng chỉ im lặng.
Thế là năm đó, dù là dâu mới nhưng em đã bị mất điểm trong mắt nhà chồng. Hễ có họ hàng thân thích nào đến chơi, bà cũng nói bóng gió chuyện hai hộp bánh. Em nghe mà ứa nước mắt.
Năm nay, lại sắp đến cái Tết thứ 2 ở quê chồng, em cũng hồi hộp và lo lắng như năm đầu tiên vậy. Hiện tại, em đang tất bật với việc mua sắm đồ ăn, thức uống, tiền và quà Tết để mang về quê chồng.
Em nghĩ, năm nay mình mua thật nhiều quà Tết. Trước hết là để bố mẹ chồng vui, sau nữa là để họ không nghĩ em ki bo như thế.
Theo Hoài Trang (VietNamNet)