Theo đó, bà V.N.T (72 tuổi) nhập viện vì chân bị phù, sưng to. Bệnh nhân có tiền sử thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu nhiều năm, phải dùng thuốc kháng đông nhưng bà đã tự ngưng thuốc một thời gian.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long, Phó trưởng Khoa Lồng ngực, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, phim chụp CT scan mạch máu xác định bà T. bị huyết khối tái phát, lan tỏa rộng toàn bộ các tĩnh mạch sâu từ cẳng chân đến vùng chậu, tĩnh mạch chậu trái xơ teo và tắc hoàn toàn.
Đây là một hội chứng khá thường gặp ở phụ nữ. Bà T. đã được chỉ định can thiệp nội mạch, loại bỏ cục máu đông và nong bóng đặt stent để sửa chữa chỗ hẹp.
Bác sĩ Long cho biết, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu chiếm tỷ lệ trên 70% người bệnh loét chân mạn tính. Bắt nguồn từ sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch tại các chi, lưu lượng máu bị ứ đọng lớn dần theo thời gian gây căng cứng, phù nề chi.
Về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa tại chỗ, loạn dưỡng, hình thành các vết lở loét. Vết loét không được chữa trị sẽ ngày càng lan rộng, tăng nguy cơ bội nhiễm, viêm mô tế bào lan rộng, hoại tử chi, cắt cụt chi,... Khoảng 50% người bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu tiến triển sang hội chứng hậu huyết khối và khoảng 10% bị loét mạch.
Theo một nghiên cứu được thực hiện ở 227 trung tâm trên 27 quốc gia, nguy cơ loét chi hậu huyết khối tăng 5,5 lần ở người bệnh có huyết khối; tăng 3,2 lần ở người bệnh giãn tĩnh mạch; tăng 2,3 lần ở người bệnh tiểu đường; tăng 2 lần ở người béo phì và tăng 2,5 lần ở nam giới.
Diễn tiến bệnh được chia thành 6 mức độ với các biểu hiện tăng dần. Trong đó, đau chân, chuột rút, dị cảm, ngứa hoặc tình trạng giãn mao mạch, tĩnh mạch, phù chân,... là những dấu hiệu ban đầu dễ nhận biết, báo hiệu sớm.
Theo bác sĩ CKI. Nguyễn Đức Chỉnh, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, phương pháp điều trị tình trạng trên được chia thành 3 nhóm chính:
Điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống, tăng cường vận động, sử dụng các phương pháp hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép); Điều trị bằng thuốc (sử dụng thuốc kháng đông, có thể kết hợp thuốc tăng trương lực tĩnh mạch); Điều trị can thiệp bằng phẫu thuật (đặt stent, lấy huyết khối,...).
Kế hoạch phòng ngừa phù chi dưới, loét tĩnh mạch do huyết khối tĩnh mạch sâu tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ của người bệnh. Các "vũ khí chính yếu" trong điều trị dự phòng là thay đổi chế độ sinh hoạt, sử dụng dụng cụ hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép, dùng thuốc kháng đông đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Linh Giao (VietNamNet)