Ung thư máu là bệnh phổ biến ở trẻ em, chiếm khoảng 30% số bệnh nhi ung thư. Thống kê mỗi năm tại Mỹ, cứ hơn 3 phút lại có một người chẩn đoán mắc ung thư máu, cứ sau 9 phút có một người tử vong.
Có 3 loại ung thư máu gồm bạch cầu, ung thư hạch (u lympho ác tính) và u tủy. Trong đó, u tủy là loại ít gặp hơn 2 loại còn lại.
Với bạch cầu cấp, theo BS Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.HCM, đây là bệnh lý do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra các tế bào máu. Các tế bào ung thư nhân lên rất nhanh. Nếu không được điều trị, các tế bào này sẽ ứ đọng trong tủy xương và tác động cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường.
Bệnh bạch cầu cấp tiến triển nhanh và có thể gây tử vong trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu không được điều trị.
U lympho ác tính là loại bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh huyết học ác tính ở người lớn. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2018, trên thế giới có gần 510.000 người mắc mới (chiếm gần 6%) và gần 250.000 người tử vong (chiếm gần 2,6%).
Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 3.500 trường hợp mới mắc u lympho ác tính không Hodgkin (chiếm gần 2,3%) và hơn 2.100 trường hợp tử vong vì loại bệnh ung thư máu này, đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư.
GS.TS Mai Trọng Khoa - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tỷ lệ mắc u lympho ở nước ta theo tuổi là 5,2/100.000 dân. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nhóm tuổi 35-40 và 50-55, tuổi trung bình 50-60 tuổi.
Bệnh thường biểu hiện tại hạch (nên còn gọi là ung thư hạch) chiếm trên 60% hoặc biểu hiện u ở ngoài hạch và có thể ở bất cứ cơ quan, vị trí khác nhau trong cơ thể, hay gặp như ở da, đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng…), vòm mũi họng, lưỡi, thần kinh trung ương, hốc mắt…
Một số dấu hiệu bệnh ung thư máu:
Giảm số lượng hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu có thể là nguồn cơn của những triệu chứng sớm ung thư máu. Trong đó, giảm hồng cầu có thể khiến bệnh nhân thiếu máu, thở nhanh hoặc thở ngắn khi vận động, hoa mắt, mệt mỏi, nhợt nhạt.
Ngoài ra, do giảm số lượng tiểu cầu nên bệnh nhân có nguy cơ cao chảy máu ngay cả với chấn thương nhẹ, xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu từ lợi hoặc từ mũi. Ở một số trường hợp nặng còn chảy máu nội tạng.
Người mắc ung thư máu cũng dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, sốt. Đó là do thiếu bạch cầu - một yếu tố có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài (như vi khuẩn). Vì vậy lượng bạch cầu bị giảm sút dẫn đến không đủ khả năng chống đỡ, hậu quả là bệnh nhân ung thư máu dễ bị nhiễm khuẩn, sốt.
Bệnh nhân ung thư máu cũng hay bị đau nhức xương khớp do tủy xương bị lấp đầy bởi các tế bào bất thường.
Theo GS Mai Trọng Khoa, phương pháp điều trị bệnh ung thư máu, đặc biệt là u lympho ác tính là kết hợp đa phương thức, biện pháp chủ yếu là bằng điều trị toàn thân như hoá trị kết hợp điều trị đích, ghép tế bào gốc…, điều trị tại chỗ tại vùng như xạ trị, phẫu thuật.
Đồng thời, theo GS Khoa, hiện nay kết hợp phương pháp điều trị mới như điều trị miễn dịch, miễn dịch phóng xạ… mang lại hiệu quả cao hơn đặc biệt với trường hợp bệnh tồn tại dai dẳng hoặc tái phát với các phương pháp điều trị khác, hiệu quả, an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo Thu Nguyên (Giadinh.net.vn)