Mới đây nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc chia sẻ cô từng bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Bác sĩ cho hay, chỉ cần chậm một ngày, cô có thể phải cắt buồng trứng.
Một người nổi tiếng khác cũng từng mắc căn bệnh này là Hari Won. Vợ của Trấn Thành từng phải điều trị ung thư cách đây 5 năm, hiện vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nên chưa thể có con.
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao ở nữ giới. Cổ tử cung nằm giữa tử cung và âm đạo. Ung thư cổ tử cung do các tế bào phát triển bất thường, vượt qua kiểm soát của cơ thể gây ra.
Các chủng khác nhau của virus u nhú ở người (HPV), dạng nhiễm trùng lây qua đường tình dục, là nguyên nhân của hầu hết các ca ung thư cổ tử cung.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể thường ngăn chặn virus gây hại HPV. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, virus tồn tại trong nhiều năm, góp phần vào quá trình khiến một số tế bào cổ tử cung trở thành tế bào ung thư.
Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung bằng cách làm các xét nghiệm sàng lọc và tiêm vắc-xin bảo vệ chống lại nhiễm trùng HPV.
Triệu chứng
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng hơn bao gồm:
- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh
- Dịch âm đạo có máu, có mùi hôi
- Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp
Biến chứng
Nếu được phát hiện sớm, bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, chữa muộn và sai cách có thể gây ra nhiều biến chứng như tiểu khó, sưng phù chân, suy thận. Bệnh có thể di căn đến các cơ quan khác.
Biến chứng nguy hại là người bệnh nặng có thể phải cắt bỏ tử cung, xạ trị ảnh hưởng tới chức năng tình dục và khả năng sinh sản của phụ nữ.
Nguyên nhân
Ung thư cổ tử cung bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong cổ tử cung có những đột biến trong DNA.
Những tế bào bình thường phát triển với một tốc độ nhất định, cuối cùng sẽ chết vào một thời điểm nào đó. Các đột biến nhân lên ngoài tầm kiểm soát và không chết. Các tế bào bất thường tích tụ tạo thành một khối u.
Tế bào ung thư xâm lấn các mô lân cận và có thể vỡ ra khỏi khối u để di căn đến những nơi khác trong cơ thể.
Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra ung thư cổ tử cung nhưng rõ ràng HPV đóng một vai trò nhất định. Loại virus này rất phổ biến.
Những người có nguy cơ mắc bệnh
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Bạn dễ bị ung thư cổ tử cung hơn nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu do tình trạng sức khỏe và bạn bị nhiễm HPV.
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai và HIV/AIDS làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
- Nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình của bạn càng nhiều hoặc số lượng bạn tình của vợ/chồng/người yêu bạn càng nhiều thì khả năng nhiễm HPV của bạn càng lớn.
- Hoạt động tình dục sớm: Quan hệ tình dục khi còn quá trẻ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
- Hút thuốc: Hút thuốc có liên quan đến ung thư cổ tử cung.
- Tiếp xúc với thuốc ngăn ngừa sẩy thai: Nếu mẹ bạn dùng thuốc diethylstilbestrol khi mang thai, bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Cách ngăn ngừa
-Tiêm phòng để ngăn ngừa nhiễm HPV: Có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV. Hãy hỏi bác sĩ xem liệu vắc xin HPV có phù hợp với bạn không.
- Làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap) định kỳ: Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tình trạng tiền ung thư của cổ tử cung. Hầu hết các tổ chức y tế đề nghị bắt đầu xét nghiệm Pap định kỳ ở tuổi 21 và lặp lại sau vài năm.
- Quan hệ tình dục an toàn: Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chẳng hạn như sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục và hạn chế số lượng bạn tình.
- Không hút thuốc: Nếu bạn chưa hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về các cách giúp bạn bỏ thuốc lá.
Theo An Yên (VietNamNet)