Người khác đối xử tệ bạc với bạn là lỗi của họ. Nhưng nếu bạn dung túng, cho phép đối phương làm tổn thương bản thân nhiều lần thì đó lại chính là lỗi của bạn. Cuộc đời người phụ nữ vui sướng hay khổ đau, hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc rất nhiều vào quyết định và sự lựa chọn của chính cô ấy.
Nguyệt (32 tuổi, TP.HCM) chia sẻ cô từng có quãng thời gian cô đơn và đau khổ trong chính cuộc hôn nhân của mình.
“Chồng tôi như một người khách trọ trong nhà. Hàng tháng anh ấy đưa cho vợ một phần lương là hết trách nhiệm. Còn lại tất cả từ việc nhà, con cái đến chăm sóc mẹ chồng bị tai biến nằm đâu nằm đấy đều đè nặng lên đôi vai tôi. Một tuần 7 ngày thì phải đến 4 ngày anh ấy không ăn cơm nhà, cuối tuần cũng luôn có các kế hoạch riêng. Thời gian anh ấy dành cho gia đình, vợ con ít ỏi đến đáng thương. Thứ mà anh ấy đóng góp cho cuộc hôn nhân của chúng tôi chỉ là chút tiền lương mỗi tháng mà thôi…”, Nguyệt nói.
Rất nhiều lần Nguyệt khuyên bảo chồng, từ nhẹ nhàng đến gay gắt, thậm chí còn mang chuyện ly hôn ra uy hiếp nhưng chẳng có tác dụng. Những gánh nặng quá sức chịu đựng cứ đổ dồn lên đôi vai mỏng manh của cô, thêm sự thờ ơ, lạnh nhạt từ chính người đầu gối tay ấp khiến Nguyệt gần như tuyệt vọng.
Nguyệt kể, hôm đó cô đưa con về quê thăm nhà. Cũng phải mấy tháng nay cô chưa về chơi với mẹ. Công việc bận rộn, hết việc trên công ty lại đến việc nhà việc cửa rồi mẹ chồng ốm yếu, cô không thể bứt ra để có nổi một ngày rảnh rỗi về thăm đấng sinh thành.
Vừa nhìn thấy Nguyệt, mẹ cô sững sờ rồi nghẹn ngào bật thốt lên một câu: “Mới có thời gian ngắn không gặp mà nhìn con khác quá?”. Nguyệt thẫn thờ rồi cười buồn. Trong có 2 tháng gần đây mà cô gầy đi 5kg. Thời tiết giao mùa khiến con gái cô bị viêm đường hô hấp nặng, phải nằm viện một tuần. Mẹ chồng Nguyệt cũng lên cơn sốt cao, phải đi cấp cứu giữa đêm. Thời buổi kinh tế khó khăn, công việc đầy áp lực mà lương thưởng lại giảm, áp lực cuộc sống và những trách nhiệm nặng nề khiến Nguyệt gần như kiệt sức.
“Mẹ trách tôi sao con gái ốm không báo với bà để bà lên trông cháu giúp. Bắt tội bà từ quê lên trông cháu, bà lại ốm ra đấy thì khổ. Mẹ cứ nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc của tôi mà xuýt xoa mãi. Sau đó bà mở tủ lấy ra một cuốn album ảnh đã cũ rồi bảo tôi mở xem”, Nguyệt kể.
Nguyệt lật từng tấm ảnh trong cuốn album, đều là ảnh của mẹ cô cả. Khi còn là thiếu nữ, mẹ cô sở hữu nhan sắc tươi tắn và xinh đẹp. Sau đám cưới không lâu, bức ảnh chụp mẹ Nguyệt đột ngột thay đổi một trời một vực. Nhìn bà tiều tụy, phờ phạc thấy rõ, ăn mặc cũng giản dị nếu không muốn nói là quá xuề xòa. Nhất là vài bức ảnh bà bế Nguyệt khi cô còn nhỏ, nhìn bà lúc ấy mà cô suýt không nhận ra mẹ mình. Trông mẹ cô già nua và xấu xí một trời một vực so với thời điểm trước khi kết hôn.
“Con thấy không, một cuộc hôn nhân sai lầm có thể hủy hoại một người phụ nữ như vậy đấy”, mẹ Nguyệt thở dài nói. Khi cô lên 8 tuổi thì bố mẹ cô ly hôn. Sau khi mẹ Nguyệt ở vậy không đi bước nữa. Đó cũng là lúc bà chụp nhiều ảnh hơn và bức ảnh nào cũng tươi tắn rạng ngời, nhan sắc mặn mà và ánh mắt bà thì sáng lấp lánh vui tươi.
“Mẹ đã mất 8 năm để nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm sửa sai. Con hãy dừng lại đi và hãy trông vào tấm gương của mẹ để rút ra bài học cho bản thân. Con muốn bản thân phải rơi vào tận cùng nỗi đau và kiệt quệ thì mới giật mình bừng tỉnh hay sao? Đến lúc đó thì con đã đủ đau khổ bầm dập rồi. Khi bước chân ra được, con cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại mọi thứ. Hãy quyết đoán hơn con gái ạ”, mẹ Nguyệt đã nắm tay cô dịu dàng nói như thế.
Từ quê trở lại nhà, trong đầu Nguyệt luôn là những tấm ảnh của mẹ cô trong cuốn album cũ. Mẹ cô nói đúng, một cuộc hôn nhân sai lầm có thể phá hủy cả một người phụ nữ. Yêu sai thì chia tay và yêu lại, kết hôn sai cũng hoàn toàn có thể ly hôn để tìm cho bản thân một lối rẽ khác tươi sáng hơn. Hà cớ gì phải cố chấp với một cuộc hôn nhân chỉ mang về khổ đau và bất hạnh? Sau khi đã nghĩ thông suốt, đêm ấy Nguyệt lấy giấy, hạ bút nắn nót viết từng chữ “đơn xin ly hôn…”.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)