Họ là tình đầu của nhau từ khi cùng ngồi trên ghế trường THPT Thăng Long (Hà Nội). Khi mới 21 tuổi, Khải Anh đã muốn cưới Đan Lê làm vợ. Thế nhưng, việc không thể trả lời câu hỏi "Con đã chuẩn bị gì cho đám cưới?" đã khiến tình cảm của anh và Đan Lê rẽ sang ngã khác. Sau khi chia tay và đều từng trải qua những mối quan hệ khác, thậm chí cả cuộc hôn nhân khác, họ trở lại bên nhau.
Năm 2011, Đan Lê và Khải Anh tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè. Cuộc hôn nhân của họ càng hạnh phúc hơn khi hai cậu con trai Khải Minh và Khải Nguyên lần lượt chào đời vào 2011 và 2014.
21 năm bên nhau tính cả yêu và cưới, Khải Anh - Đan Lê vẫn giữ được sự ngọt ngào. Cặp đôi cùng nhau đi du lịch khắp nơi trên thế giới và thường xuyên dành cho nhau những lời có cánh trên mạng xã hội. Từ ngày làm vợ và làm mẹ, Đan Lê lui về làm hậu phương cho chồng để anh chuyên tâm cho công việc đạo diễn ở VFC. Cô làm MC tại đài truyền hình và thỉnh thoảng tham gia một số vai nhỏ trong phim do chồng làm đạo diễn. Ngoài ra, cô điều hành công ty riêng về dịch vụ dành cho mẹ và bé.
Bữa cơm là nơi gắn kết
Là một người mẹ hai con và luôn bận rộn, Đan Lê kể: "Một ngày của tôi thường bắt đầu lúc khoảng 8h30 sáng. Tôi tới spa làm việc, rồi đến đài truyền hình ghi hình theo lịch trình có sẵn trong tuần. Ngoài thời gian đó, tôi chăm sóc con cái và gia đình. Công việc của tôi thường kết thúc lúc 18h30-19h và có thể muộn hơn. Giờ đấy về nhà chuẩn bị cơm cũng đã là muộn rồi".
Bản thân đạo diễn Khải Anh rất bận rộn với công việc nên rất hiếm khi nấu nướng. Đan Lê cười nói rằng: "Tôi chưa đủ can đảm nhờ anh xã nấu cơm. Ngày trước, anh ấy từng nấu cho tôi ăn, nhưng lại là nấu mì tôm".
Tuy ông xã ít vào bếp nhưng Đan Lê lại chấm cho chồng 7 điểm về ý thức hỗ trợ vợ nấu ăn. Vợ chồng cô đều có chung sở thích ăn uống nên mỗi dịp cuối tuần, cả hai thường lên kế hoạch chuẩn bị một món ngon cho cả nhà. Nếu không có điều kiện nấu, vợ chồng cô sẽ đi mua ở cửa hàng.
"Điều may mắn của tôi là trong gần 7 năm kết hôn, bữa cơm nào cũng là một kỷ niệm ấm cúng. Tôi chỉ mong bữa cơm hàng ngày đều có đông đủ các thành viên, ai cũng hào hứng với đồ ăn nóng trên bàn. Tôi nghĩ, đây là ước mong không chỉ của riêng tôi mà của tất cả các bà vợ, bà mẹ", cô nói.
Cô hy vọng, quan điểm 'căn bếp là của phụ nữ' sẽ được thay đổi theo thời gian. "Tôi thấy nhiều người đàn ông thích chăm sóc cho gia đình thì hay bị bạn bè chê cười, thậm chí bị nói là sợ vợ, 'đội vợ lên đầu', khi vào bếp giúp vợ thì lại bị nói cung phụng vợ. Cách suy nghĩ đó khiến đàn ông trở nên e ngại trong việc đỡ đần vợ".
Cùng chia sẻ việc nuôi dạy con
Nói về việc cùng chia sẻ chăm lo việc nuôi dạy con, Đan Lê thể hiện quan điểm: "Quan điểm của tôi là trao đổi để hiểu nhau và khi đã hiểu thì việc thỏa thuận có chấp nhận hay không là ở hai người. Mẹ có thể chăm con tốt hơn so với bố, nhưng nhà có hai con trai như gia đình tôi thì bố phải có trách nhiệm dạy dỗ, hướng dẫn để các cháu trưởng thành như một người đàn ông. Chồng tôi có thể bận hàng tháng trời nhưng khi có bất cứ thời gian rảnh nào, anh sẽ dành hoàn toàn cho việc chăm sóc con cái và gia đình.
Ở nhà, hai vợ chồng không phải nấu cơm và rửa bát. Thời gian rảnh rỗi duy nhất để mọi người bên nhau là buổi tối. Ăn cơm xong, chúng tôi ngồi chơi, nói chuyện; bày các trò hoặc đọc sách. Chúng tôi ít đánh con. Nếu trong tình trạng cấp cứu quá, ví dụ các bạn ấy chuẩn bị sờ tay vào ổ điện, tôi sẽ đánh một cái thật đau cho nhớ. Sau đó, tôi sẽ giải thích với con rằng hành động đánh sẽ không đau bằng việc bị điện giật và đánh là để cảnh báo chứ không phải bố mẹ ghét con".
Như mọi vấn đề của gia đình khác có hai con sàn tuổi nhau thì việc phải làm trọng tài phân xử khi các con có mâu thuẫn luôn làm bố mẹ đau đầu. Với gia đình Đan Lê - Khải Anh không phải ngoại lệ. Đan Lê chia sẻ: "Sự tranh giành đôi lúc vẫn xảy ra nhưng cách giải quyết xung đột đó như thế nào để các con thấy mình không bị đặt vào thứ yếu lại do bố mẹ hoặc người lớn quyết định.
Tôi luôn giao hẹn trước khi sự tranh giành giữa hai con diễn ra và phải đoán được điều đó để ngăn chặn từ đầu. Tranh giành xảy ra tức là có xung đột. Lúc ấy, cảm xúc của các con không ở trạng thái cân bằng nữa, dù có nói gì thì lời nói của mẹ cũng giảm giá trị. Vì thế, mẹ phải giao hẹn khi các bạn ấy ở trạng thái tinh thần ổn định. Khi mua đồ chơi cho con, tôi giao hẹn: "Mẹ mua cho hai anh em chơi chung nhau. Nếu các con không tìm được cách chơi chung vui vẻ, mẹ sẽ không cho ai chơi nữa và cả hai sẽ không có gì để chơi. Bây giờ các con chọn có đồ chơi hay không?".
Dù đưa ra cho con sự lựa chọn, mẹ vẫn phải để các bé có quyền lợi trong đấy. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau và không ai có chung cách dạy dỗ nào cho từng bé. Tôi luôn cố gắng công bằng tuyệt đối và không yêu cầu anh phải là người hy sinh hay vì anh lớn nên phải nhường em. Anh không có nghĩa vụ phải thế. Tôi coi hai bạn là hai người như nhau".
Với việc khơi gợi tình yêu thương ở đứa trẻ lớn với trẻ nhỏ trong nhà sao cho trẻ lớn không chịu tổn thương khi "bỗng dưng" có em, Đan Lê cho biết: "Cách bố mẹ ứng xử như thế nào với các con quyết định việc bé chấp nhận chia sẻ tình cảm hay không và sẽ yêu thương người em của mình hay không. Tôi đã phải dành nhiều thời gian để nói chuyện với bạn ấy, phải tranh thủ và làm bất cứ những gì có thể, dù đang bận chăm đứa bé. Tất nhiên lúc đó cũng vất vả nhưng không có cách nào khác là phải giải thích để con hiểu.
Khi em bé quấy khóc quá, tôi phải bảo với bạn lớn để yên cho mẹ dỗ em. Em nín và em ngoan thì mẹ mới có thời gian dành cho con được. Mẹ hãy cho bé thấy giá trị của việc chấp nhận có lợi hơn so với cứ lằng nhằng như thế. Cuối cùng, bạn ấy đồng ý. Mẹ đã thỏa thuận thì lúc có thời gian phải dành cho bạn ấy thật và không được phép hứa suông.
Là một người mẹ trẻ, hiện đại, Đan Lê cho rằng không nên trở thành mẹ đảm kiểu việc gì cũng ôm vào người, với Đan Lê: "Mẹ cũng nên đề nghị các con chia sẻ công việc để bạn được nghỉ ngơi, vui vẻ và cả nhà sẽ có nhiều thời gian cho nhau hơn. Ngoài ra, bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mình, mẹ hãy biến công việc nhà thành những trò chơi lý thú theo sở thích, giới tính của các con. Mẹ biết động viên, khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ chẳng khác nào liều thuốc tăng lực cực mạnh. Các bé sẽ tự tin và hãnh diện vô cùng khi cha mẹ cũng đặt niềm tin vào mình".
Đếm hạnh phúc bằng bình yên sau giông bão
Cách đây chín năm, Khải Anh và Đan Lê tổ chức lễ gia tiên vào đúng ngày Valentine. Hạnh phúc khi nhìn lại những gì đã trải qua, nữ MC kiêm diễn viên dành cho chồng những lời cảm ơn đầy ngọt ngào: "Kỷ niệm 9 năm ngày cưới và cũng là rất rất nhiều mùa Valentine bên nhau. Cảm ơn anh vì đã ở cạnh em, đã luôn chịu lắng nghe mỗi khi em khó ở, đã không quên hôn em mỗi sáng và nhắn tin cho em mỗi ngày. Cảm ơn anh đã cùng em đi khắp mọi nơi ta mơ ước, dẫu sướng vui hay đau khổ cũng không từ bỏ. Chẳng mong gì nhiều, chỉ mong đôi ta yêu nhau bình yên như thế thôi". Cùng với những lời yêu thương, Đan Lê chia sẻ khoảnh khắc hai vợ chồng hôn nhau ở nhiều địa điểm nổi tiếng trên khắp thế giới như Bhutan, Pháp, Italy...
Trước đó, đạo diễn Khải Anh - ông xã của Đan Lê cũng kỷ niệm ngày đặc biệt của hai vợ chồng với giọng tếu táo, hóm hỉnh thường thấy: "9 năm, vẫn chưa thấy chán mấy, cũng vui, cũng nhiều lần phát điên, cắn nhau mấy phát, cũng đau nhưng cuối cùng vẫn thấy hạnh phúc". Trong khi vợ chỉ chia sẻ ảnh đẹp thì Khải Anh sẵn sàng đăng cả những khoảnh khắc xấu của hai vợ chồng để trêu chọc bạn đời".
Có thể nói tình yêu đích thực, những nỗ lực vun vén hôn nhân của cả hai đã ra những trái ngọt, dệt nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Tình yêu của họ một cách âm thầm, không ồn ào, khiến biết bao người ngưỡng mộ, học theo.
Theo Phương Nghi (Giadinh.net.vn)