Ly hôn - 2 từ chỉ cần nhắc đến thôi là đã thấy buồn. Nhưng chỉ có ai trải qua cảm giác thất bại hôn nhân mới biết, kết thúc tất cả chưa phải là điều đáng sợ nhất.
Dù ly hôn được người ta dần nhìn nhận với sự tích cực và tươi sáng hơn nhưng không thể phủ nhận 1 điều: Người đang sống trong hạnh phúc hôn nhân vẫn bị ly hôn "rình rập". Nó là thực tế cuộc sống, là những khắc nghiệt chưa ập đến nhưng ai cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt.
Hôn nhân như 1 canh bạc, đã bước vào thì xác định sẵn tâm lý thắng - thua
Về mặt cảm xúc, đối với tình yêu hay hôn nhân, bạn luôn phải sẵn sàng tâm lý hoặc thành công hoặc thất bại. Ngay cả khi bạn không chấp nhận mất mát, những điều tương tự như ly hôn vẫn xảy ra.
Lúc này quan trọng nhất là thái độ. Hãy thẳng thắn với chính bản thân mình. Đừng quá coi trọng và cũng đừng xem nhẹ. Nó quyết định rất nhiều đến tương lai của bạn sau này.
Suy nghĩ thực tế thì nó là thế này: Ly hôn giống việc bạn thanh lý một bản hợp đồng, vậy làm sao để có lợi cho mình khi tình yêu chẳng còn là thứ níu giữ?
Ly hôn ở độ tuổi trung niên là giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng khi hôn nhân đã hết "date", đừng cố chấp sống tiếp với gã chồng tồi tệ vì mình đã già, vì bản thân bị phụ thuộc kinh tế, vì con cái đang tuổi trưởng thành...
Không còn sức trẻ, thanh xuân đã tàn, da cũng dần nhăn nheo, tâm trí có dấu hiệu của tuổi lão hóa, bạn sẽ trông như 1 kẻ thua cuộc thảm hại nếu chồng mình vừa sắm 1 cô nhân tình trẻ trung, mơn mởn. Tất cả mọi thứ sẽ làm bạn áp lực hơn bao giờ hết.
"Cuộc rút lui" đầy cam go ở tuổi giữa 2 sườn dốc
Chị Liên - người phụ nữ quyết định kết thúc cuộc hôn nhân 20 năm ở tuổi 45 khẳng định: "Ly hôn không phải là một cuộc chia ly đơn giản. Phải chắc chắn rằng mình sẽ có một 'cuộc rút lui' an toàn để có cuộc sống tốt hơn cho đến cuối đời".
Cái gọi là "rút lui" đó được đúc rút từ chính kinh nghiệm của chị.
Sau bao nỗ lực kéo chồng về từ tay kẻ thứ 3, chị chấp nhận sự thật rằng cuộc hôn nhân của mình đã đi đến hồi kết. Và một khi đã ly hôn, chị không còn quan hệ với chồng cũ cũng như bất cứ sự dựa dẫm vào anh nữa. Ngoài ra, hai người đã có con chung, nếu muốn nuôi đứa trẻ chị phải nỗ lực rất lớn để giành quyền nuôi con.
Với những mẹ đơn thân thu thập thấp, đây thực sự là một cuộc chiến. Không chỉ riêng chi phí chăm sóc con, còn chi phí sinh hoạt, mọi thứ đảm bảo nuôi con 1 cách tốt nhất.
Tuy nhiên, chị sẽ không chịu nhượng bộ, chỉ cần chị yếu mềm 1 chút, cả chị và con mình đều mất cơ hội, mất đi nhiều thứ mà lẽ ra thuộc về mẹ con chị.
Sau khi nhận được bồi thường vật chất, chị yêu cầu chồng cũ cam kết một số điều có lợi cho mình. Chị nói rằng mình đã thực sự phải "chiến đấu" để có 1 cuộc ly hôn hoàn hảo.
Tất cả những gì chị đang làm là đấu tranh cho một "cuộc rút lui" an toàn với bản thân và con mình. Đó cũng là những nỗ lực mà chị đã làm để không chỉ chị hay anh mà tất cả những người liên quan cũng không phải chịu bi kịch hôn nhân do anh chị để lại.
Khi ly hôn, đừng quên lấy được 2 điều này từ người đàn ông
Ly hôn không phải lúc để phụ nữ đau khổ hay dằn vặt mình. Đây là thời điểm các bà vợ cần tỉnh táo và sáng suốt nhất. 2 điều quan trọng cần phải lấy được từ chồng đó chính là bồi thường và cam kết.
Bồi thường
Bồi thường chính là phạm vi vật chất, có thực mới vực được đạo phụ nữ ạ! 1 gã chồng phản bội đáng ghê tởm thật nhưng tiền của anh ta thì không nhé. Đừng có vì cái tôi quá lớn, sĩ diện ngút ngàn mà tuyên bố không lấy tiền trợ cấp. Dù 2 người có trở thành xa lạ thì con bạn vẫn có dòng máu của anh ta.
Hôn nhân được tạo nên bởi 2 người và đương nhiên mọi công sức xây dựng đóng góp cũng của 2 người mà thành. Bạn nên có được phần thuộc về mình khi ly hôn bất kể bạn đang làm nội trợ ở nhà hay làm công việc gì.
Tại thời điểm này, đừng mong đợi đàn ông bù đắp cho bạn một cách có ý thức. Phải can đảm đấu tranh vì điều đó, thậm chí là chủ động yêu cầu. Nó là quyền lợi của mình và nghĩa vụ của anh ta.
Nếu bạn không có con, bạn chỉ cần đấu tranh đòi bồi thường thanh xuân, tổn thất tinh thần... vật chất sẽ thuộc về bạn nếu bạn khôn khéo. Đừng đánh giá thấp tiền, chúng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong thời gian bạn ly hôn.
Nếu bạn có con, bạn không muốn nuôi con, dĩ nhiên có thể tự động từ bỏ nhưng những thứ khác vẫn cần đấu tranh. Nếu bạn muốn nuôi con, ngoài quyền nuôi con bạn còn phải yêu cầu anh ta hỗ trợ ít nhất đến khi chúng 18 tuổi.
Cam kết
Phụ nữ yêu cầu "bồi thường" từ đàn ông khi ly hôn là điều hiển nhiên. Nhưng thông thường các chị sẽ bỏ qua những cam kết quan trọng.
Bị chồng cũ quấy rầy, bị nhà chồng làm phiền sau ly hôn hay đơn giản chỉ là vài lời móc máy nhau trên facebook cũng đã đủ khiến cuộc sống các chị thêm phiền phức và đau đầu rồi.
Phụ nữ rất cần suy nghĩ nghiêm túc và sâu xa về tương lai khi ly hôn. Nếu bạn không muốn bị chồng cũ quấy rầy, muốn được yên ổn thì hãy đặt ra giới hạn khoảng cách và những cam kết buộc anh ta đồng ý mới quyết định "giải thoát".
Tốt nhất, việc này nên thực hiện trên giấy tờ, có người làm chứng và những quy định rõ ràng nếu vi phạm sẽ phải chịu hình phạt gì. Một khi anh ta tuyệt tình với bạn bạn cũng chẳng cần thương xót anh ta làm gì. Bạn không đòi hỏi quá đáng, bạn chỉ lấy những thứ thuộc về mình.
Ưu điểm lớn nhất của việc này là vạch ra một mối quan hệ rõ ràng với chồng cũ và khẳng định rằng bạn không muốn có thêm bất kỳ mối quan hệ nào với anh ta sau khi ly hôn.
Khi sống trong 1 cuộc hôn nhân, bạn có thể nghĩ cho chồng, cho những người đã quyết định gắn kết cuộc đời. Nhưng đến lúc phải nói lời chia tay, bạn không cần nghĩ cho họ nữa bởi người đáng trân trọng bây giờ chính là bản thân bạn.
Theo Lạc Lạc (Trí Thức Trẻ)