Một khi sự thất vọng, tổn thương lên đến cùng cực thì chẳng còn điều gì mà người ta phải luyến tiếc nữa. Đến với hôn nhân, ai cũng mong mỏi nó thật sự trọn vẹn, được cùng nhau chung tay xây đắp gia đình hạnh phúc. Nếu như điều đó cũng không còn thì chuyện đường ai nấy đi là trong dự định.
Một người phụ nữ đã kể câu chuyện ly hôn của một cô bạn của mình trên mạng xã hội Trung Quốc. Đọc xong câu chuyện ai cũng thấy buồn cả. Đúng là khi sự thất vọng chiếm hữu thì kiên nhẫn tiếp tục cuộc hôn nhân cũng chẳng còn.
"Một người bạn của tôi đã ly hôn cách đây vài tháng. Lý do của việc chia tay đó đơn giản thôi: Chồng cô ấy không ngoại tình, không cờ bạc cũng chẳng dính đến ma túy. Đơn giản vì gia đình họ không có tiền.
Bạn tôi có ý định mua nhà. Đúng là trong cuộc sống, chuyện mua nhà là chuyện ai cũng phấn đấu để có, an cư lạc nghiệp là vậy.
Phụ huynh hai bên đã hỗ trợ cho hai vợ chồng ít tiền. Số còn lại họ phải cùng nhau tiết kiệm thêm nữa để có thể nhanh chóng có nhà riêng.
Cô bạn tôi làm việc quần quật cho mục tiêu đó. Cô ấy làm việc ban ngày ở cơ quan, ban đêm lại nhận thêm công việc khác. Bữa trưa muốn gọi cơm hộp để ăn cũng xót ví, đôi khi chỉ cần một ổ bánh mì cô ấy cũng coi như xong bữa tối. Nói chung, người bạn gái này cần mẫn chăm chỉ, từng chút từng chút tích cóp tiền để chuẩn bị cho kế hoạch mua nhà của hai vợ chồng.
Chồng cô ấy làm công việc kinh doanh như anh ta vẫn làm. Tuy nhiên, anh ấy không nỗ lực cũng chẳng cố gắng, được chăng hay chớ và không có mục tiêu gì mấy.
Người vợ cảm thấy rất buồn, bực mình và phàn nàn. Cô ấy cũng nhắc nhở chồng nên tích cực hơn, chăm chỉ hơn và đừng hoang phí nhưng điều đó đâu dễ gì thay đổi được.
Tiết kiệm tiền trong một thời gian dài, cô ấy đã tích được 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng). Cô ấy bắt đầu tính đến chuyện đi xem nhà để mua, bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên, xem xét xong xuôi hết cả, cô ấy bất ngờ phát hiện ra rằng toàn bộ số tiền trong tài khoản đã 'bốc hơi'. Bên trong chỉ còn khoảng 20 ngàn NDT (khoảng 70 triệu).
Hỏi ra mới biết chồng cô ấy bí mật lấy tiền đi đầu tư vào một dự án nào đó. Anh ta lấy tiền của vợ nhưng không nói một lời. Người chồng cho rằng rồi nó sẽ sớm sinh lời nhưng không ngờ thua lỗ hết cả rồi.
Anh ta nghĩ vợ mình sẽ phát điên, gào thét hoặc chửi bới sau khi phát hiện ra vấn đề nhưng không. Cô vợ bình tĩnh lắm, không khóc không náo loạn, cô nộp đơn ly hôn ngay sau đó, thu dọn đồ đạc hằng ngày và ôm con về bên nhà bố mẹ đẻ.
Cô ấy không thể chịu đựng thêm nữa và hoàn toàn chết lặng rồi. Đối với cuộc hôn nhân và cách làm của người chồng, cô chẳng còn hi vọng gì thêm.
Khi kể câu chuyện này, trên mặt người bạn tôi chẳng có mấy nỗi buồn. Cô ấy bảo rằng những năm qua sau khi kết hôn, gần như toàn bộ chi phí chi tiêu đều là cô ấy trả hết cả.
Chồng cô nói thì dở, làm thì chán khiến vợ thất vọng đến cùng cực rồi.
Trong hôn nhân, thực tế của tình yêu cũng đâu còn bao nhiêu nữa. Cơm áo gạo tiền khi kết hôn là chuyện đáng để lo toan nhất, lâu dần những điều đó sẽ thành oán giận trong lòng nhau.
Khi đó người ta sẽ liên tục đặt ra các câu hỏi như tại sao tôi nghèo thế? Tại sao cuộc sống của người ta tốt vậy mà mình thế này? Tại sao tôi đã cố đến thế mà vẫn khổ? Phải chăng lấy chồng khiến anh ta kéo cuộc đời mình đi xuống?
Một khi suy nghĩ ấy nảy sinh thì sẽ có ngày nó bùng phát và ly hôn sẽ chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi".
Đúng là một câu chuyện khiến người ta phải suy ngẫm. Người vợ đứng trước sai lầm to lớn của chồng mà chẳng thể tức giận nổi nữa, đơn giản vì cô chọn cách buông bỏ và tự giải thoát cho chính mình.
Trong hôn nhân là vậy, người ta chỉ tức tối, giận dữ hay đau đớn khi còn muốn gắn bó, còn hi vọng vào nhau. Một khi sự hi vọng đó biến thành thất vọng, chẳng màng đến nỗi buồn, niềm vui hay sự đau khổ thì sớm muộn hôn nhân cũng sẽ tan vỡ.
Bởi vậy, sống trong một gia đình thì nên có trách nhiệm với nhau. Làm việc lớn cũng nên trao đổi qua lại. Đừng vì sự im lặng và trách nhiệm kém của chính mình ảnh hưởng đến hạnh phúc của bản thân.
Theo Rena (Trí Thức Trẻ)