Như chúng ta đã biết, uống nước nóng là một thói quen thường gặp ở rất nhiều người. Nhưng thói quen này đem lại ảnh hưởng tốt hay xấu đối với sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây đã phân loại đồ uống nóng trên 65 độ C là chất gây ung thư loại 2A (có thể là chất gây ung thư). Trái với lầm tưởng của một số người rằng uống nước nóng sẽ tốt hơn nước lạnh, nước nóng rất có hại đối với niêm mạc thực quản. Đây là các tế bào rất mỏng manh, dễ bị tổn thương.
Với nước nóng trên 65 độ C, các tế bào niêm mạc sẽ tăng sinh, dày lên để chống lại sự "tấn công" của nước nóng, khiến chúng càng ngày càng ít nhạy cảm. Sự phát triển bất thường của các tế bào lâu dần sẽ dẫn tới ung thư.
Nhiệt độ thích hợp để ăn là từ 10 độ C đến 40 độ C. Mức nhiệt độ cao nhưng vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của niêm mạc là từ 50 độ C đến 60 độ C. Nếu vượt quá 65 độ C, bạn không chỉ có nguy cơ bị bỏng mà còn gia tăng nguy cơ ung thư.
Ví dụ như những người thường uống nhiều nước, cà phê, trà… với nhiệt độ cao thì rất dễ bị bỏng thực quản, lâu ngày có thể phát triển thành viêm loét, thậm chí là ung thư thực quản.
Không chỉ các loại nước, thực phẩm nóng cũng có thể đem lại tác hại tương tự và có thể làm hỏng tế bào màng nhầy của miệng và dạ dày.
Vì vậy, thay vì uống nhiều nước nóng, hãy sử dụng nước ấm vừa phải để đem lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.
- Uống nhiều nước ấm có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện nhu động ruột và phòng ngừa táo bón hiệu quả. Những người hay bị táo bón hoặc bệnh đường ruột thì rất nên uống một cốc nước ấm mỗi sáng khi vừa thức dậy.
- Nước ấm cũng góp phần cải thiện lưu thông máu trong cơ thể. Như vậy, cơ bắp và hệ thần kinh hoạt động hiệu quả hơn.
- Khi uống nước ấm, quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể cũng được thúc đẩy tốt hơn. Nền tảng thể chất của cơ thể sẽ dần được tăng cường.
7 'thời điểm vàng' để uống nước giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật và sống thọ hơn
Vừa mới ngủ dậy
Không chỉ ở Nhật Bản, nhiều quốc gia có tuổi thọ trung bình cao đều coi uống nước vào sáng sớm, khi vừa thức dậy là 1 bí quyết sống lâu.
Vì vậy, từ bây giờ hãy hình thành thói quen uống 1 cốc nước lọc khoảng 200 - 400ml vào thời điểm này. Nó giúp đánh thức các chức năng của cơ thể, tăng tốc hoạt động của hệ tuần hoàn, giảm bệnh tim mạch, huyết khối và tăng cường miễn dịch.
Trước khi đi ngủ
Uống nước trước khi ngủ sẽ đảm bảo rằng cơ thể bạn vẫn đủ nước trong quá trình ngủ, đồng thời giúp giải độc. Nhờ vào đó, các cơ quan như gan, thận, dạ dày… cũng sẽ khỏe mạnh hơn.
Tốt nhất bạn nên dùng nước ấm nhẹ khoảng 30 - 40 độ để thải độc tốt hơn cũng như giúp tuần hoàn máu trơn tru, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Tuy nhiên, lưu ý rằng chỉ nên uống khoảng 100 - 250ml để tránh gây gánh nặng cho thận cũng như giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi việc đi vệ sinh nhiều lần.
Nửa giờ trước bữa ăn trưa
Trước bữa trưa khoảng 30 phút hãy bổ sung khoảng 300 - 500ml nước, tốt nhất là nước lọc. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết khối, dạ dày. Một nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Dinh dưỡng Lâm sàng ở Hàn Quốc cũng cho thấy uống nước trước bữa ăn còn có tác dụng giảm cân đáng kể.
Sau khi tập thể dục
Bạn thường cảm thấy rất mệt mỏi, khát nước sau khi tập thể dục là bởi vì cơ thể đốt cháy nhiều calo, nước bị hao hụt qua quá trình bài tiết mồ hôi.
Uống nước vào thời điểm này không chỉ bù nước, giúp tinh thần sảng khoái, tăng tốc độ phục hồi cơ thể mà còn giúp nhịp tim trở lại bình thường. Đồng thời, 1 cốc nước lọc hoặc nước khoáng ngay sau khi tập luyện còn giúp cơ thể thải độc nhanh hơn, rất tốt cho thận, dạ dày, gan và hệ tiêu hóa.
Trước khi tắm
Tắm sẽ làm tăng tốc độ bay hơi của nước khỏi cơ thể, đặc biệt là với người trẻ có thói quen tắm lâu hay ngâm mình.
Sự bốc hơi nước của cơ thể sẽ làm cho máu đặc hơn, máu lưu thông chậm lại, sức cản của mạch tăng cao, dễ dẫn đến huyết áp cao. Do đó, uống 1 cốc nước trước khi tắm có thể bù đắp lượng nước mất đi sau đó và giúp giảm huyết áp. Tốt nhất là uống nước ấm, có thể làm giãn mạch và đạt được tác dụng hạ huyết áp.
Cuối buổi chiều
Chuyên gia sức khỏe cho rằng khoảng thời gian từ 16 - 17 giờ là lúc thích hợp để bổ sung nước sau 1 ngày làm việc mệt nhọc. Hãy uống khoảng 200 - 250ml nước, có thể là nước lọc, nước trái cây hoặc trà nhạt vào thời điểm này mỗi ngày.
Thói quen này sẽ bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể bạn để có thể kết thúc một ngày dài làm việc hiệu quả. Thêm vào đó, nó giúp làm giảm cảm giác đói và mệt mỏi, tăng cường sự tập trung. Đồng thời cũng hỗ trợ rất nhiều cho những ai đang trong chế độ ăn kiêng giảm cân vào buổi tối.
Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng
Bất cứ khi nào mệt mỏi, bạn đừng quên uống khoảng 100 - 300ml nước. Bởi vì rất có thể cơ thể bạn đang gặp vấn đề do thiếu nước. Ví dụ như quá trình vận chuyển oxy, máu trong cơ thể đang kém, gặp trục trặc, thiếu năng lượng do các cơ quan phải làm việc quá sức.
Nhất là khi bạn căng thẳng, chóng mặt hay bị tác động bởi thời tiết. Lúc này, 1 ly nước có thể là “cứu cánh” khiến bạn nhanh chóng tỉnh táo, trở lại trạng thái tập trung và lấy lại năng lượng nhờ tuần hoàn máu trơn tru hơn.
PN (Nguoiduatin.vn)