Tiểu đường là căn bệnh mãn tính, có thể rút ngắn tuổi thọ một người, khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng về xương khớp, thị lực cũng như tim mạch. Thế nhưng, một cụ ông tên Duẩn, (Kim Hoa, Chiết Giang, Trung Quốc) dù mắc bệnh tiểu đường nhưng đến nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, dẻo dai.
Trả lời phóng viên, ông Duẩn kể rằng bản thân mình mắc bệnh tiểu đường rất có thể là do ngày trẻ mải đi làm kiếm tiền nên đã ăn uống thất thường. Sau khi phát hiện mắc bệnh, ông đã tìm đủ cách điều trị, rất tốn kém nhưng hiệu quả không cao.
Thấy đường huyết ngày một lên cao, ông quyết định đọc thêm sách rồi từ từ áp dụng cho mình. Sau hơn 1 năm áp dụng những bí quyết mà mình học hỏi được, bệnh tiểu đường của ông Duẩn đã được kiểm soát. Đến nay 70 tuổi nhưng chưa hề tiến triển nặng.
Khi được hỏi bí quyết trị bệnh, ông Duẩn giải thích: "Bệnh tiểu đường không phải là bệnh không có cách can thiệp, chỉ cần chúng ta cố gắng là có thể kiểm soát được. Nếu bạn muốn ổn định đường huyết thành công, trước hết bạn phải bắt đầu với chế độ ăn uống lành mạnh".
Ông Duẩn chia sẻ kinh nghiệm ổn định đường huyết: 4 loại thực phẩm ít ăn
1. Phải tránh mật ong
Mật ong là một loại thực phẩm tự nhiên, rất giàu chất dinh dưỡng. Nhiều người buổi sáng ngủ dậy có thói quen uống một cốc nước mật ong. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường thì không nên nạp nhiều những thực phẩm chứa chỉ số đường huyết cao. Trong khi đó, mật ong lại chứa nhiều glucose và fructose – các loại đường đơn giản, có thể được hấp thụ trực tiếp vào máu. Bệnh nhân tiểu đường nếu thường xuyên sử dụng mật ong sẽ làm cho lượng đường trong máu gia tăng rất nhanh.
2. Tránh ăn quả hồng
Hồng là loại trái cây có nhiều trong mùa thu. Quả hồng vị ngọt, có hàm lượng đường rất cao, sau khi ăn vào cơ thể sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao vượt tiêu chuẩn, không phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Thay vào đó, ông Duẩn ăn các loại quả có hàm lượng đường và chất béo thấp như kiwi, dâu tây, bưởi...
3. Cơm trắng
Cơm trắng là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tăng năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều cơm, chúng ta sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Theo thời gian, đây sẽ là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường cùng với các biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
Theo ông Duẩn, ông đã chuyển từ gạo trắng sang gạo lứt. Mỗi ngày, có thể ăn tối đa 3 – 4 chén cơm gạo lứt. Ngoài ra cần bổ sung thêm nhiều chất xơ từ rau củ quả, protein từ thịt cá.
4. Mía
Vào mùa hè, nước mía là một trong những loại đồ uống giải khát được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, trong mía chứa rất nhiều sucrose, đây là loại đường khiến cho chỉ số đường huyết tăng đột biến khi nạp vào cơ thể. Vì vậy, để kiểm soát đường huyết luôn ổn định, bạn tuyệt đối không nên ăn mía dù có thèm ngọt đến như thế nào đi chăng nữa.
Những việc cần làm mỗi ngày để tránh lượng đường trong máu tăng cao
Giảm cân
Kiểm soát cân nặng là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Theo ông Duẩn, ông đã giảm 5-10kg từ sau khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu qua quá trình giảm cân.
Hàng ngày, ông cũng kiểm soát lượng thức ăn được nạp vào cơ thể. Những người mắc bệnh tiểu đường nên cắt giảm 500 calo mỗi ngày, các chất cần cắt giảm bao gồm: protein, carbohydrate và chất béo.
Duy trì một thái độ tốt
So với nhiều bệnh nhân đái tháo đường khác, tâm lý của ông Duẩn rất tốt, nhìn mọi thứ một cách cởi mở, tâm trạng luôn vui vẻ, tinh thần thoải mái hàng ngày... điều này giúp cho hệ thần kinh và bài tiết hormone ổn định, từ đó giúp điều hoà lượng đường trong máu.
Duy trì tập thể dục đầy đủ
Ông Duẩn là một người yêu thể thao, hàng ngày ông đều dành thời gian để tập thể dục, đây là lý do chính giúp ông Duẩn có thể duy trì một cơ thể cường tráng ở tuổi 70. Tập thể dục có thể tăng tốc độ lưu thông máu và tăng cường tỷ lệ trao đổi chất, từ đó giúp kiểm soát đường huyết tốt.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)