Tiểu đường là căn bệnh mãn tính chưa có cách điều trị triệt để, gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới tim mạch, thận, mắt, thần kinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng. Thống kê vào năm 2017 cho thấy số bệnh nhân tiểu đường ở nước ta là 3,54 triệu người.
Bệnh tiểu đường có thể chia làm 3 loại chính: Tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.
Nếu như nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 chủ yếu liên quan đến các yếu tố di truyền với độ tuổi phổ biến là thanh thiếu niên, thì bệnh tiểu đường tuýp 2 lại xuất phát từ các thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Thông thường sau tuổi 40, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ ngày càng gia tăng, thậm chí độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Các thói quen xấu như ăn uống phản khoa học, lười vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, thức khuya… đều có thể là lý do gây bệnh tiểu đường. Và trong số những yếu tố trên, chế độ ăn uống là lý do quan trọng nhất.
Theo các chuyên gia, có 4 loại đồ ăn, thức uống vô cùng quen thuộc nhưng chính là "thủ phạm" gia tăng nguy cơ tiểu đường, đáng tiếc là chúng lại chính là món "khoái khẩu" của người Việt.
4 thực phẩm người bị tiểu đường nên tránh ăn nhiều
1. Nước có gas
Nước có gas là thức uống giải khát phổ biến với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đồ uống này không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt với trẻ em. Lý do là trong nước có gas chứa rất nhiều đường, cùng với các chất tạo màu, tạo ngọt, tạo gas... tiêu thụ nhiều sẽ gây nên các bệnh về dạ dày, đường ruột, đe dọa sức khỏe răng miệng, gây bệnh tim mạch, thiếu canxi.
Uống nhiều nước có gas cũng gây ra tình trạng béo phì, làm tăng đường huyết... từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
2. Đồ ăn vặt
Sau khi dùng xong bữa chính, chúng ta thường thích nhâm nhi món ăn tráng miệng bằng các loại đồ ngọt như bánh quy, socola, kem, phô mai… Tuy nhiên, đây là những thực phẩm chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều sẽ làm hỏng men răng, tăng lượng đường trong máu, gây ra bệnh tiểu đường. Vậy nên, tốt nhất là không nên ăn quá nhiều đồ ngọt để tránh gây hại cho sức khỏe. Khi ăn đồ ngọt, có thể kèm theo một tách trà sẽ giúp bạn ăn chậm và dễ tiêu hóa hơn.
3. Đồ chiên rán
Đồ chiên rán chứa nhiều dầu mỡ, nếu ăn trong thời gian dài sẽ gây bệnh béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, trong quá trình chế biến đồ chiên rán, dù sử dụng loại dầu ăn nào thì cũng có thể sinh ra chất độc acrylamide, gây ung thư. Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn loại thực phẩm này, đặc biệt là khoai tây chiên vì có thể khiến hệ tiêu hóa làm việc quá sức, gây đầy hơi, khó tiêu, dễ bị ợ chua, nặng hơn là gây bệnh tiểu đường thai kỳ.
4. Đồ ăn nhiều muối
Thường xuyên ăn mặn không chỉ làm tăng huyết áp mà còn không có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, gây ra bệnh tiểu đường.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, bạn nên thực hiện giảm lượng muối trong chế độ ăn của gia đình. Hãy ưu tiên chọn các loại thực phẩm tươi thay vì các món ăn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, xúc xích, giò chả, dưa muối… Trong quá trình chế biến, hãy ưu tiên món luộc, hấp thay vì món ăn cần nhiều gia vị mặn như món kho, món rang… để giảm hàm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày.
Dù có là người bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 thì chỉ khi hạn chế được những loại thực phẩm có hại thì mới có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Ngược lại, nếu như bạn vẫn tiếp tục ăn những loại thực phẩm trên, dù có dùng nhiều thuốc hạ đường huyết đến đâu thì bệnh tình cũng sẽ không bao giờ tiến triển.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)