Theo số liệu thống kê năm 2015, Th.S, BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, hàng năm bệnh viện (BV) tiếp nhận điều trị cho khoảng 6.500 trẻ sinh non, nhẹ cân. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong vòng một tháng đầu đời và đứng thứ hai chết trẻ dưới một tuổi, sau bệnh lý viêm phổi.
Tỉ lệ sinh non tử vong vẫn ở mức cao
Các chuyên gia sản khoa nhận định, những em bé được sinh ra thiếu tháng hay còn gọi là sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần so với em bé sinh đủ tháng.
Rất nhiều yếu tố nguy cơ tác động đến điều này, có thể do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng.
Theo số liệu được gửi về từ Tổ chức y tế thế giới (WHO), ước tính cứ 10 trẻ sinh ra thì có hơn 1 trẻ sinh non. Thống kê năm 2015 của WHO cho thấy, khoảng 15 triệu trẻ sinh thiếu tháng thì có hơn 1 triệu trẻ tử vong. Một trang nghiên cứu về y khoa của Anh (action.org.uk) cho biết cứ mỗi 30 giây có một trẻ sinh non tử vong.
Còn tại Việt Nam, tỉ lệ này cũng được cho là đáng quan tâm. Một thống kê tại chương trình "Ngày Thế giới vì trẻ sinh non" cho thấy, tỉ lệ trẻ sinh non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh, tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
Điển hình mới nhất, vào sáng ngày 20/11 vừa qua, tại BV Sản nhi Bắc Ninh xảy ra vụ việc liên tiếp 4 em bé sinh non tử vong. Bao gồm các bệnh nhi: Bé Vi Thị Phượng (sinh ngày 13/11/2017), bé Vũ Hải Đăng (sinh ngày 12/11/2017), bệnh nhi Vũ Đình Cò (sinh ngày 13/11/2017), bé Nguyễn Hà Vi (sinh ngày 16/11/2017.
"Cả 4 trường hợp tử vong đều là trẻ sinh non, yếu phải nằm lồng ấp, tất cả đều được chẩn đoán suy hô hấp, suy tuần hoàn, nuôi dưỡng tĩnh mạch, ngạt phải thở máy và ăn sữa qua sonde dạ dày, kháng sinh", ông Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết.
Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân 4 trẻ tử vong ngày hôm qua (20/11) là do sốc nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đẻ non yếu suy hô hấp.
Chuyên gia chỉ rõ yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non tử vong
Trong số tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh do đẻ non/nhẹ cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, thì trẻ tử vong do sinh non chiếm tới 25%.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trẻ sinh non sớm hơn dự kiến chiếm tỷ lệ khá cao. Chính vì vậy, tìm hiểu lý do vì sao dẫn đến tình trạng này là cần thiết để biết và có cách hạn chế tốt hơn.
Liên quan đến những căn nguyên dẫn đến tỉ lệ sinh non tử vong ngày càng phổ biến, Bs. CKI. Giang Châu Võ - Phòng khám sản phụ khoa Gò Vấp, có những chia sẻ thiết thực về yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng sinh thiếu tháng dẫn đến trẻ tử vong.
Trẻ sinh non do bệnh lý từ mẹ tác động như: Mẹ bị mắc bệnh u xơ tử cung, viêm gan siêu vi B, viêm thận, sốt, Rubella, bệnh tim, tiểu đường, thiếu máu nặng, nhiễm trùng đường sinh sản, đa thai, nhiễm trùng ối…
Dị tật tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai nhi có nguy cơ sinh sớm hơn 38 tuần tuổi, bao gồm: hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung ngắn v.v…
Thai phụ bị stress, thường xuyên có tâm trạng bất an, lo lắng, tức giận kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể khiến cơ thể người mẹ tiết quá nhiều hormone tuyến thượng thận, sinh ra những chất có hại cho hệ thần kinh dẫn đến sinh non.
Các nguyên nhân khác. Ngoài những lý do đã nêu, sinh non còn do nhiều lý do khác như mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, mang đa thai, ít nước ối, mang thai quá sớm (dưới 18 tuổi) hoặc mang thai từ 40 tuổi trở lên, nghiện ma túy, nghiện rượu, mang thai quá nhiều lần v.v…
Ngoài ra, thời gian làm việc của người mẹ quá 42 giờ/ tuần, công việc phải đứng nhiều trên 6 giờ/ ngày, làm việc quá sức, quan hệ tình dục quá đà, do biến đổi khí hậu, dùng thuốc an thai bừa bãi v.v… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển dạ sớm.
Các dấu hiệu sinh non thai phụ cần nhận biết
Chuyên gia nhấn mạnh, việc các bà bầu không được chủ quan khi thấy những biểu hiện lạ trên cơ thể dẫn đến nguy cơ chuyển dạ sớm.
- Đang có thai chưa đến 37 tuần mà đã gặp phải các cơn co thắt tử cung tối thiểu được 1 tiếng đồng hồ.
- Các cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5 – 10 phút/lần, kéo dài 30 giây.
- Khi thăm khám âm đạo, bác sĩ đã thấy cổ tử cung mở hơn 2,5 cm và xóa hơn 3/4…
- Đồng thời, âm đạo có thể xuất huyết, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút v.v…
Bác sĩ Giang Châu Võ cũng cảnh báo, khi thấy các dấu hiệu nguy hiểm trên, bà bầu cần kịp thời đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách thì nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng rất cao, cả mẹ lẫn bé còn non sẽ rất dễ bị tổn thương.
Chuyên gia khuyến cáo cách phòng tránh nguy cơ sinh non và biến chứng tử vong
Sinh non là một trong những bất lợi lớn đến sức khỏe của thai nhi và thai phụ. Tiềm ẩn nguy cơ tử vong của cả 2.
Để hạn chế những hậu quả không mong muốn, các bà bầu cần lưu ý các hoạt động thường ngày cũng như chế độ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ để hạn chế phần nào tình trạng này.
Việc khám thai định kỳ mang lại hiệu quả cao cho cả mẹ và bé. Bổ sung đầy đủ vitamin trước và trong quá trình mang thai, đặc biệt là vitamin B9 và axit folic, nghỉ ngơi và giảm tải khối lượng công việc; giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
Không dùng rượu, thuốc lá hay chất kích thích; kiểm soát cân nặng hợp lý; chọn đồ lót thoáng, thấm hút tốt và giữ vệ sinh vùng kín thật cẩn thận; tập thể dục vừa phải; sinh hoạt tình dục nhẹ nhàng, điều độ, nếu có cảnh báo sinh non nên tránh "yêu" trong các tháng cuối của thai kỳ để giảm nguy cơ co thắt tử cung v.v…
Bác sĩ Võ cho biết những biện pháp dự phòng như chăm sóc, quản lý thai nghén, sử dụng liệu pháp corticosteroids trước sinh, cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong một giờ đầu sau đẻ và kéo dài đến 24 tháng, chăm sóc trẻ đẻ non, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo… có thể tránh được 75% nguy cơ tử vong cho bé.
Theo Linh Trang (Soha/Trí Thức Trẻ)