Ngải cứu vừa chế biến thành nhiều món ăn ngon vừa làm thuốc quý chữa bệnh trong Đông y
Mỗi khi tiết trời trở gió, những cơn đau đầu không đâu lại xuất hiện hành hạ mọi đối tượng. Không cứ gì là người cao tuổi, người trưởng thành, nhiều trẻ em cũng bị đau đầu do trái gió trở trời hành hạ. Những lúc ấy, nhiều người thường tìm đến món trứng rán ngải cứu vô cùng thơm ngon lại giúp trị đau đầu hiệu quả. Đó là một kinh nghiệm chữa bệnh được lưu truyền từ lâu trong dân gian.
Ngải cứu vốn là loại cây dùng như rau gia vị trong nhiều món ăn. Nhưng đây cũng là loại thuốc cực quý trong Đông y. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng để chữa trị trong các trường hợp: phụ nữ kinh nguyệt không đều, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ…
Do đó, sẽ thật tuyệt vời nếu vào mùa này, góc vườn nhà bạn có thêm bụi ngải cứu giúp chữa vô số bệnh khi trái gió trở trời. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần thường xuyên ăn loại rau này nấu kèm những món ăn yêu thích quen thuộc là đủ cho bạn tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Ngải cứu có thể làm thuốc chữa bệnh theo những cách nào?
Theo lương y Bùi Hồng Minh, trong tiết trời ẩm ương gây khó chịu cho sức khỏe hiện nay, bạn có thể áp dụng một số giải pháp phòng chữa bệnh từ ngải cứu như sau:
- Chữa đau nhức cột sống: Lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, giã nát, sau đó trộn với một ít giấm và đun nóng. Bọc hỗn hợp này trong một chiếc khăn mỏng rồi xoa dọc vị trí đau trong khoảng 15 phút. Duy trì như vậy trong khoảng từ 2 đến 3 tuần, cơn đau sẽ hết. Để phát huy hiệu quả triệt để, nên duy trì khoảng 2 tháng.
- Chữa đau thắt lưng: Rang muối với ngải cứu rồi gói vào một chiếc khăn mỏng, đắp lên lưng trước khi đi ngủ, cơn đau sẽ dịu dần. Để tránh bị bỏng, hãy lót một chiếc khăn mỏng lên lưng trước khi chườm hỗn hợp ngải cứu.
Lưu ý: Hỗn hợp này nguội nên rang nóng lại rồi tiếp tục đắp. Hỗn hợp này cũng hiệu quả với người đang bị đau lưng do mang thai, nếu được thực hiện thường xuyên.
- Đau nhức xương khớp: Ngoài việc đắp ngoài da, ngải cứu có thể được dùng để giã lấy nước cốt uống. Người bị đau nhức xương, lấy ngải cứu rửa sạch với nước muối pha loãng, giã nát rồi chắt lấy nước, thêm 2 thìa mật ong vào uống ngày 2 lần. Thực hiện như vậy liên tục trong 2 tuần, cơn đau nhức sẽ giảm hẳn.
- Điều hòa kinh nguyệt: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6 - 12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5 - 10g) hay dạng cao đặc (1 - 4g).
- Điều trị cảm cúm, ho do lạnh: Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Đun sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Làm liên tục 2 - 3 ngày bệnh sẽ đỡ.
Ngoài việc áp dụng bài thuốc, một số món ăn từ ngải cứu cũng giúp bạn chữa bệnh cực hiệu quả:
- Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh...). Thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng.
- Trứng gà tráng ngải cứu: Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.
- Gà tần ngải cứu: Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai: 1 con gà đen khoảng 500gr, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ từ, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ.
- Cháo ngải cứu: Có thể chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp. Cách nấu : lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.
Theo Tiểu Nguyễn (Báo Dân Sinh)