Nguy hiểm đến tính mạng
Trò chuyện với chúng tôi khi đang chờ tái khám tại Bệnh viện Thánh Mẫu (Q. Tân Bình, TP.HCM) bà Nguyễn Thị T. (quận 12) than, do bị bệnh huyết áp, tim mạch đã hơn 2 năm nên bà điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến quận. Tuy nhiên khi hết thuốc, biết người quen có bệnh huyết áp giống mình nhưng đang dùng đơn thuốc của bác sĩ tuyến trung ương, cho rằng thuốc tốt hơn nên bà T. mượn đơn rồi ra tiệm mua thuốc về uống.
“Khi tôi dùng thuốc thì trong người cảm thấy mệt mỏi, nổi phát ban ngứa. Tưởng là bị cảm nên mua thêm thuốc cảm về dùng thì thấy càng mệt hơn và ngất đi. Sau đó, tôi đến bệnh viện khám thì được bác sĩ cho biết trong đơn thuốc tôi tự mua có thuốc làm chậm nhịp tim chứ không chỉ điều trị cao huyết áp”.
Bác sĩ bệnh viện này chia sẻ, việc tự dùng thuốc hết sức nguy hiểm. Cùng bị bệnh tim nhưng thuốc cho bệnh nhân này uống tốt, nhưng với bệnh nhân kia rất nguy hiểm thậm chí mất mạng. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp, tim mạch chỉ đến khám, điều trị thời gian ngắn rồi dùng thuốc theo đơn của… người quen, dẫn đến dị ứng thuốc, thậm chí bị hội chứng Stevens-Johnson hoặc Lyell (biểu hiện là các ban phỏng nước toàn thân, đặc biệt là loét hốc tự nhiên, có thể kèm theo trụy tim mạch, suy thận).
Thoát chết do được người nhà đưa đi bệnh viện kịp thời, bà Lê Thị H. cũng từng là nạn nhân của việc sử dụng lại toa thuốc. Do bị viêm khớp mạn tính thời gian dài nên bà đến bệnh viện để khám và xin đơn thuốc điều trị. Gần 1 năm nay bà hay dùng đơn thuốc này để điều trị vì thấy bệnh tình “dễ chịu” nên không tái khám.
Tuy nhiên, sau lần uống thuốc cách đây hơn 2 tuần bà thấy mệt mỏi rồi bất tỉnh, khi tỉnh lại mới biết mình đang nằm trong phòng cấp cứu. Tại đây, bác sĩ cho biết bà bị xuất huyết dạ dày và tụt huyết áp do dùng thuốc chữa viêm khớp diclofenac. Do thuốc này ở đơn cũ gây hại dạ dày thời gian dài. Rất may, bà đã được cấp cứu kịp thời.
Cần kiểm soát việc bán thuốc theo đơn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện tại ở nhiều nước các dược sĩ không bán thuốc cho những đơn đã kê trước đó từ 3-6 tháng nhằm tránh xảy ra những rủi ro. Tuy nhiên tại TP.HCM, người dân vẫn có thế mua thuốc qua các đơn thuốc cũ ở bất kỳ hiệu thuốc nào.
Dược sĩ Trần Đình Long, chủ nhà thuốc H.L tại quận 1, TP.HCM chia sẻ, một đơn thuốc phải cần đầy đủ các thông tin: Tên tuổi, giới tính, địa chỉ người bệnh, tên, chữ ký của bác sĩ kê đơn; các xét nghiệm cận lâm sàng, phân loại bệnh tật, phác đồ điều trị. Thậm chí, phải có tư vấn của bác sĩ về cách dùng từng loại thuốc, cách ăn uống và thời gian tái khám. Tuy nhiên, hiện nay bởi do yếu tố lợi nhuận nên nhiều nhà thuốc nhắm mắt làm bừa, khó tìm thấy những đơn thuốc có thông tin đầy đủ như vậy. Còn nhiều người bệnh thì lo ngại mất thời gian, tốn tiền xét nghiệm, khám bệnh nên dùng đơn thuốc cũ, mượn đơn thuốc của người khác để sử dụng. Thậm chí, việc mua được cả thuốc nằm trong diện phải kê đơn là điều dễ dàng…
Bệnh viện Thánh Mẫu cho biết, hằng năm Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh nhân nặng bị ngộ độc do tự mua thuốc, sử dụng lại đơn thuốc để điều trị. Để tránh những hậu quả đáng tiếc do tái sử dụng đơn thuốc, các bác sĩ lưu ý, mỗi đơn thuốc chỉ để dùng điều trị cho người bệnh ở thời điểm đó ngay cả là bệnh mạn tính. Bởi mỗi thời điểm thì mức độ và thể trạng của người bệnh cũng khác nên cần phải đến bệnh viện để khám, xét nghiệm để được các bác sĩ cho đơn thuốc mới với liều lượng, lứa tuổi, thể trạng. Bởi cùng một bệnh nhưng khác lứa tuổi sẽ uống sai, quá liều lượng sẽ làm bệnh càng trầm trọng và gây những biến chứng khác cho cơ thể. Trong đó, nguy cơ lớn nhất khi sử dụng lại đơn thuốc là tình trạng lờn kháng sinh nếu sử dụng thuốc tùy tiện.
Theo Minh Việt (Nguoitieudung.com.vn)