Côn trùng chui vào tai – Tai nạn hi hữu khiến nhiều người loay hoay, khó chịu
Côn trùng chui vào tai thường xảy ra khi bạn đang ngủ, dù cho đang nằm ngủ trên giường hay nằm úp tai xuống mặt đất thì cũng đều có nguy cơ bị chúng tấn công vào khu vực này. Ở những môi trường làng quê, hay bất cứ nơi nào có nhiều côn trùng như vườn tược, ruộng đồng, nhưng nơi kém vệ sinh, nhiều đồ đạc… cũng đều có nguy cơ bị côn trùng chui vào tai.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), côn trùng chui vào tai hay dị vật nói chung chui vào tai khiến nạn nhân có các triệu chứng thường gặp như đau dữ dội, đột ngột một bên tai mà trước đó không có bệnh gì liên quan đến tai. Những cơn đau dữ dội có thể xen kẽ nhau chứ không đồng loạt cùng lúc.
Trong tình huống này, rất có thể bạn đang bị côn trùng chích đốt hoặc chân cánh có gai của chúng đâm vào, gây đau đớn. Đôi khi, cảm giác như có con gì bò trong tai phần lớn cũng là do côn trùng chui vào tai.
Nếu chẳng may bị côn trùng chui vào tai, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng tai chảy nước, thậm chí chảy máu do côn trùng gây trầy xước, rách màng nhĩ, nhất là côn trùng sống to có càng hay ngạnh sắc bén như dế, gián, cào cào. Đối với những côn trùng hoặc dị vật nhỏ hơn như kiến, ruồi muỗi, thiêu thân, ve chó... triệu chứng có thể không ào ạt bằng những dị vật to hay có gai ngạnh hoặc nọc độc như ong…
"Nếu chỉ là bò trong ống ai, côn trùng sẽ khiến bạn có cảm giác nhột, ngứa, khó chịu. Nhưng nếu ở mức độ nặng hơn như gây sang chấn ống tai hoặc màng nhĩ thì bạn sẽ thấy rất đau, thậm chí đau đến muốn ngất đi", chuyên gia nhận định.
Chưa hết, việc vô tình khiến côn trùng chui vào tai không được sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến những bệnh về tai không mong muốn như viêm tai, cảm giác nhức buốt khó chịu, một số loài còn hút máu, tấn công làm thủng màng nhĩ, nguy cơ mất thính lực không phải chuyện đùa.
Xử lý đúng cách khi côn trùng chui vào tai, tránh nguy cơ tổn thương thính lực
Theo chuyên gia, có rất nhiều cách xử lý khi bị côn trùng chui vào tai nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hoặc nắm bắt để dắt túi phòng tránh khi cần. Nhiều người khi nhận thấy côn trùng chui vào tai đã vội vàng lấy bông ngoáy tai hay ngón tay để cố đưa côn trùng ra ngoài.
Thực tế thì hành động này sẽ khiến côn trùng càng chui vào sâu trong tai hoặc có thể chọc trúng côn trùng, côn trùng chết gây viêm nhiễm tai. Do đó, để xử lý côn trùng chui vào tai, bạn có thể tiến hành theo những bước sau:
- Trong trường hợp côn trùng chui vào tai mà bạn biết chắc nó đã chết, không cự quậy gì, bạn cố gắng lắc đầu mà nó không lăn ra, thì bạn nên đổ ít nước vào ống tai để lấy nó ra.
- Nghiêng người về bên lỗ tai có côn trùng, lắc lắc cái đầu để côn trùng chui ra ngoài. Không được lấy tay đập vào lỗ tai, có thể gây phản tác dụng. Nếu sau bước này, côn trùng vẫn không chịu chui ra, bạn có thể thực hiện theo những mẹo hữu ích sau:
- Thấm rượu vào 1 miếng bông nhỏ. Để miếng bông bên ngoài tai và nhẹ nhàng nhỏ 1 vài giọt rượu vào trong. Điều này sẽ khiến khu vực quanh tai được vệ sinh và côn trùng bò ra ngoài.
- Lấy nước ấm, dầu ăn hoặc oxy già nhỏ ngập đầy vào tai cho côn trùng tự chui ra hoặc chết ngộp. Nếu thấy một phần côn trùng lội theo nước ra ngoài tai thì dùng kẹp gắp ra nhẹ nhàng. Trường hợp lấy ra không được thì nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên có biện pháp can thiệp sâu hơn gây tổn thương tai.
Chuyên gia khuyên, trong trường hợp đau tai dữ dội, nổi mẩn đỏ do dị ứng, chảy máu tai… cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời. Để phòng ngừa côn trùng chui vào tai, chúng ta nên ngủ giường, không để vung vãi thức ăn, nước uống trên giường, nệm ngủ vì sẽ tạo điều kiện cho côn trùng hỏi thăm. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cần chú ý vệ sinh cẩn thận, tránh dụ côn trùng đến sau khi bú sữa… Nhà cửa cũng cần luôn vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ, hạn chế tối đa côn trùng ẩn náu trong nhà tấn công bất ngờ.
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)