Đó là trường hợp của bé O.M.H (9 tuổi, ngụ TP.HCM). Khoảng 9h tối ít ngày trước, bé H. đang ngủ thì tai phải đau dữ dội, cảm giác có " vật thể lạ " di chuyển trong tai kèm nhức đầu và chảy máu lỗ tai.
Gia đình đưa cháu H. đến BV địa phương, bé được chẩn đoán có dị vật côn trùng trong tai nhưng điều trị bằng nước muối không hiệu quả.
Qúa lo lắng và sốt ruột, cha bé chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện (BV) Quốc tế City để điều trị.
Tại khoa Tai Mũi Họng của BV, các bác sĩ phát hiện sát màng nhĩ bé có một khối đen kèm hiện tượng ống tai sung huyết, có chảy máu nên chỉ định điều trị bằng nội soi lấy dị vật. Sau nội soi, các bác sĩ phát hiện trong tai bệnh nhi có một con côn trùng kích thước 5x8mm nằm sát màng nhĩ gây rách ống tai.
Các bác sĩ tiến hành bơm rửa nước muối, sau đó dùng dụng cụ gắp dị vật là một con bọ ra ngoài. Sau thủ thuật 10 phút, bé giảm đau tai và nhức đầu dù còn hơi chóng mặt. Khi tình trạng ổn định, bé được cho xuất viện trong ngày.
Bác sĩ Lê Quốc Tú, khoa Tai Mũi Họng BV Quốc tế City cho biết, đây là một ca tương đối khó. Vì dị vật có kích thước khá lớn lại có mấu nhọn ở chân bám vào da ống tai khá chặt nên việc bơm rửa nước muối hầu như không hiệu quả mà phải sử dụng công cụ gắp dị vật ra.
Bác sĩ cho biết, côn trùng có thể gây tổn thương da ống tai, thủng mảng nhĩ và những cấu trúc giải phẫu bên trong tai giữa. Trường hợp trên nhờ gia đình đưa đến điều trị kịp thời mà bé trai không phải chịu những hậu quả nặng nề.
Qua đây, bác sĩ cũng khuyên phụ huynh nên cho trẻ ngủ mùng (màn) kể cả ban ngày. Kiểm tra chăn, gối nệm trước khi ngủ để bảo đảm an toàn cho bé. Khi phát hiện côn trùng xâm nhập vào tai, mũi, họng bé cần đưa đến các cơ sở y tế ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)