Chị Trương Nghệ (Trung Quốc) kết hôn khi quá lứa nhỡ thì. Vì vậy, sau khi kết hôn, anh chị quyết định có con luôn. Và một bé trai kháu khỉnh, đẹp trai và khỏe mạnh chào đời.
Khi đứa trẻ được 5 tháng tuổi, chị Trương Nghệ phát hiện con không thích cười và không phản xạ trước hành động chơi đùa của người lớn. Lúc đầu, gia đình chị Trương nghĩ rằng con còn quá nhỏ và đứa trẻ có tính cách trầm nên mới có những biểu hiện như thế. Mặt khác, mẹ chồng chị cũng cho biết rằng bố cháu ngày xưa cũng thế nên cháu nội "thừa hưởng gen trầm tính" của bố, không cần quá quan tâm.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ được 8 tháng tuổi, độ tuổi mà nhiều đứa trẻ đồng lứa thường nghịch ngợm đủ trò thì con trai chị Trương Nghệ vẫn thế: không cười nói nhiều, ai gọi cũng không nghe. Vì thế, vợ chồng chị liền đưa con đi thăm khám xem như thế nào. Sau khi có kết quả, cả gia đình không thể tin đứa trẻ được xác định ban đầu là bại não!
Trước khẳng định của gia đình rằng khi sinh ra, con trai chị Trương Nghệ được kiểm tra sức khỏe là hoàn toàn bình thường, các bác sĩ hỏi thêm về cách chăm sóc thường ngày dành cho bé. Chị Trương lúc này có kể tới một chi tiết mà bác sĩ xác định chính là nguyên nhân chính gây ra hậu quả này: Do nhà cửa ẩm thấp quanh năm nên chị Trương có đặt một số viên băng phiến trong nhà, ngay cả dưới gối mà con trai nằm hàng ngày chị cũng đặt vài viên. Quả thực, khi người nhà về nhà, lật chiếc gối lên thì nhặt được vài viên băng phiến.
Bác sĩ cho biết, băng phiến có mùi rất hăng và có chứa các chất gây ảnh hưởng đến não trẻ sơ sinh. Nếu đứa trẻ bị sống trong môi trường đó quá lâu sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Minh chứng là con trai chị Trương đã bị bại não vì những viên băng phiến đó.
Băng phiến có tác hại như thế nào với trẻ nhỏ?
Một số cha mẹ có thói quen dùng băng phiến để hút ẩm các vật dụng trong nhà như tủ quần áo hay để đuổi côn trùng.
Tuy nhiên, băng phiến gây ngộ độc cấp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Ngộ độc xảy ra khi trẻ nuốt nhầm hoặc hít quá nhiều hơi băng phiến trong môi trường kín, thiếu khí trời, không thông thoáng. Riêng ở trẻ nhỏ rất dễ bị ngộ độc. Mặt khác băng phiến có thể hấp thu trực tiếp một phần qua da của trẻ, từ đó có thể gây độc với cơ thể của trẻ. Ngoài ra, nó còn gây ngộ độc mãn nếu hít chất này dưới dạng hơi trong thời gian dài.
Theo Mộc Trác (Khampha.vn)