Gần đây, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền) cấp cứu một bệnh nhân nữ 26 tuổi, trú xã Phong Mỹ (cùng huyện Phong Điền) trong tình trạng dị ứng thuốc, men gan cao, xuất huyết... Dù được các bác sĩ cấp cứu nhưng tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng, được người nhà đưa về và qua đời vào tối 26/5. Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tiến hành giải phẫu tử thi để phục vụ điều tra nguyên nhân chị S. tử vong.
Nguyên nhân chị S. tử vong được nghi ngờ là có liên quan đến 2 lọ thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc xuất xứ mà nạn nhân đã sử dụng. Sau khi uống thuốc, chị S. xuất hiện các triệu chứng giống như bị thủy đậu, xuất huyết nặng.
Theo người nhà, cô gái này có uống một loại thuốc giảm cân không rõ đặt mua ở đâu, trên nhãn lọ thuốc có ghi chữ Trung Quốc. Sau khi uống thuốc thì bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như trên.
Cái chết của cô gái trẻ làm dấy lên lo ngại về những tác dụng phụ của thuốc giảm cân. Những lo ngại này hoàn toàn có căn cứ. Trong thực tế cuộc sống cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu, tử vong do dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến men gan tăng cao, gây suy gan, thận, thậm chí lấy đi tính mạng.
Thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc có thể là loại thuốc gây nhuận tràng
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), thuốc giảm cân được bán tràn lan ngoài thị trường có vô vàn loại khác nhau.
"Có loại thuốc giảm cân hấp thu từ lòng ruột, tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể và có loại là dạng thuốc gây nhuận tràng. Trong đó, loại gây nhuận tràng tuyệt đối không sử dụng vì dùng lâu sẽ gây mất các chất dinh dưỡng trong cơ thể", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khẳng định.
Sử dụng thuốc giảm cân siêu tốc hay những loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hiểm. Đặc biệt, sử dụng thuốc giảm cân sẽ kéo theo những tác dụng phụ không mong muốn như chán ăn, suy nhược cơ thể, tiêu chảy kéo dài. Dùng trong một khoảng thời gian khá dài, thuốc giảm cân còn gây ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, đặc biệt là phải sống lệ thuộc vào thuốc.
Nói về thuốc giảm cân, PGS.TS Đinh Quý Lan (Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam) cho biết thêm: "Sử dụng thuốc nhuận tràng cho mục đích giảm cân là phản khoa học, có thể dẫn đến các tác dụng phụ như đau bụng quặn thắt, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy mãn tính, mất nước, suy yếu và làm loãng xương, chảy máu trực tràng…".
Thuốc giảm cân không có chức năng bảo vệ gan thì suy gan chỉ là chuyện sớm muộn
Các chuyên gia nhận định việc sử dụng thuốc giảm cân khiến viêm gan, suy giảm chức năng gan, men gan tăng cao hay không còn tùy thuộc vào loại thuốc giảm cân sử dụng đó là thuốc gì. Nhưng tóm lại, giống như bất cứ trường hợp nào, sử dụng thuốc quá lâu đều có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nhiều trường hợp còn bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Sự thật là số lượng tế bào gan chỉ có hạn cũng như các bộ phận chuyển hóa thuốc trong gan chỉ có thể làm việc ở một giới hạn nhất định. Nếu phải sử dụng thường xuyên một loại thuốc nào đó, không kể là thuốc giảm cân, cũng khiến gan bị quá tải và đương nhiên nhiễm độc gan xảy ra. Điều này càng tổn hại hơn nếu các thuốc đang sử dụng là thuốc "đầu độc" gan.
Do đó, nếu thuốc giảm cân không có chức năng bảo vệ gan, lại dùng trong thời gian dài chắc chắn sẽ khiến lá gan bị thương tổn.
Hơn nữa, lá gan không chỉ cần dinh dưỡng để tái tạo tế bào mà còn cần dinh dưỡng để tham gia vào quá trình thải độc trong cơ thể. Đối với người sợ béo, giảm cân sử dụng thuốc, lại ăn uống giảm đi sẽ khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng. Cơ thể không đủ dinh dưỡng để chuyển hóa thuốc sẽ tích lũy thuốc, gây độc.
Theo chuyên gia, thuốc giảm cân chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua dùng trên mạng, từ bán hàng online, những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Những người có chỉ số BMI (số cân nặng chia bình phương chiều cao) >30 mới được khuyến cáo sử dụng thuốc giảm cân.
Nên sử dụng loại thuốc giảm cân nào, cách dùng thế nào để an toàn sức khỏe… ở mỗi người cũng sẽ được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cụ thể vì cơ địa, thể trạng mỗi người không giống nhau. Do đó, trước khi quyết định dùng bất cứ loại thuốc giảm cân nào, bạn đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia.
Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)