Từ lâu, các chuyên gia về sức khỏe luôn khuyên mọi người ăn uống đầy đủ, điều độ. Thế nhưng có khi nào bạn thắc mắc tại sao cùng một món ăn mà người này ăn sẽ mập lên, còn người kia thì không. Hoặc tại sao có người ăn đồ nóng như sầu riêng, mít… bị nổi mụn, nhưng có người ăn liên tục mà da vẫn mịn màng không?
Hầu hết chúng ta đều đổ lỗi là do cơ địa của mỗi người. Có người ăn hoài không mập, có người chỉ hít thở thôi cũng vẫn lên cân đều đều. Nhưng thật ra, theo tiến sĩ Peter J. D'Adamo, hiện đang là Giáo sư Khoa học Lâm sàng tại Đại học Bridgeport (Mỹ), đồng thời là tác giả của cuốn sách "Eat Right 4 Your Type" (Tạm dịch: Ăn theo nhóm máu) – cuốn sách bán chạy nhất trên New York Times, cách cơ thể con người xử lý thức ăn, hấp thụ thức ăn đều do nhóm máu quyết định. Nói cách khác, nhóm máu đóng vai trò quan trọng trong di truyền học, có ảnh hưởng chính đến hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất và tiêu hóa. Điều này có nghĩa là nhóm máu khác nhau sẽ có xu hướng ưu tiên các món ăn khác nhau.
Trong cuốn sách của mình, tiến sĩ D'Adamo đã khuyên mọi người thay vì chỉ quan tâm đến nhóm máu nhằm mục đích truyền máu khi cần thiết, thì hãy tìm hiểu về những món ăn mà nhóm máu của mình yêu thích, từ đó tăng cường hệ miễn dịch để duy trì sức khỏe tốt ngay cả khi về già.
Đặc biệt, nếu bạn đang theo một chế độ ăn kiêng được thiết kế cho nhóm máu của mình, cơ thể bạn sẽ tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Bạn sẽ giảm cân nhanh mà vẫn có nhiều năng lượng và ngày càng khỏe mạnh.
Nhóm máu O – Nhóm máu thích ăn thịt
Theo dòng lịch sử, từ ngàn xưa, con người sinh sống bằng phương thức săn bắn và hái lượm. Và thịt chính là món ăn chính của người cổ đại. Sau nhiều cuộc di dân, những người thuộc nhóm O tản đi khắp nơi. Họ đến vùng đất khác nhau như di chuyển từ châu Phi sang châu Âu và châu Á. Tùy theo điều kiện tự nhiên và điều kiện sống nơi họ đến mà cơ thể họ bắt đầu dần thay đổi về ngoại hình để thích nghi, nhưng riêng việc thích ăn thịt ở người có nhóm máu O lại không hề thay đổi.
Tiến sĩ D'Adamo chia sẻ rằng một chế độ ăn uống giàu protein như thịt nạc, thịt gia cầm là rất thích hợp với người có nhóm máu O. Tuy nhiên, để có đủ chất, bạn cũng vẫn nên ăn thêm cá, rau, ngũ cốc, đậu và sữa nữa.
Nhóm máu A - Nhóm máu thích ăn rau và trái cây
Cách đây 25.000 – 15.000 trước công nguyên, ở một khu vực ở Châu Á và Trung Đông, con người bắt đầu hiểu về năng lượng mà thực vật mang lại. Đây cũng là khỏi nguồn của cuộc Cách mạng Đồ đá mới với những dấu ấn của ngành nông nghiệp. Họ bắt đầu biết trồng cây đậu tằm đầu tiên rồi sau đó dần dần trồng thêm nhiều loại rau khác – tất cả đều bắt nguồn từ các loại cây có trong tự nhiên.
Với lối sống chỉ dựa vào nông nghiệp, những người thuộc nhóm máu A có hệ miễn dịch hoàn toàn khác với những người có nhóm máu còn lại. Nhóm máu A cho phép những người nông dân dung nạp và hấp thụ tốt hơn các loại ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác. Do đó, một chế độ ăn không có thịt, chủ yếu là trái cây và rau, đậu, ngũ cốc… là một chế độ ăn tốt và an toàn đối với người đang sở hữu nhóm máu A. Vì tiến sĩ D'Adamo cho biết những người nhóm máu A có hệ thống miễn dịch nhạy cảm.
Nhóm máu B - nhóm máu thích sữa
Cách đây khoảng 10.000-15.000 năm trước công nguyên, ở khu vực cao nguyên Himalaya – một phần của một phần của Pakistan và Ấn Độ ngày nay – có một lượng lớn người có nhóm máu B sinh sống. Họ chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi du mục. Và sữa hay các chế phẩm từ sữa đều trở thành món ăn chính của người có nhóm máu B.
Sau khi người từ thảo nguyên di cư đến khắp châu Á, mặc dù chế độ ăn uống của người nhóm máu B đã đa dạng hơn, họ có thể ăn được cả thịt lẫn rau, củ, trái cây. Vì vậy, có thể gọi nhóm máu B là "nhóm máu ăn cân bằng". Họ không ăn thiên về "chế độ ăn giàu protein" như nhóm máu O hay "chế độ ăn từ thực vật" như nhóm máu A. Nhóm máu B "ăn tạp" khi biết kết hợp cả động vật và thực vật vào với nhau.
Tuy nhiên, tiến sĩ D'Adamo vẫn khuyên người có nhóm máu B nên tránh ăn ngô, lúa mì, kiều mạch, đậu lăng, cà chua, đậu phộng, hạt mè và thịt gà. Bạn nên ăn rau xanh, trứng, một số loại thịt và sữa ít béo.
Nhóm máu AB - Nhóm máu tổng hợp của nhóm máu A và B
Tiến sĩ D'Adamo gọi nhóm máu AB được gọi là nhóm máu hiện đại, vì để có nhóm máu này thì một cặp vợ chồng phải có một người mang nhóm máu A và một người mang nhóm máu B, hai người "kết hợp" với nhau thì mới sinh ra con có nhóm máu AB.
Do đó, nhóm máu AB ra đời đơn thuần là sự tồn tại song song của hai nhóm máu A và B trong cơ thể. Vì vậy, hệ miễn dịch của người có nhóm máu AB có khả năng tăng cường sản xuất kháng thể đặc hiệu chống lại bệnh nhiễm trùng. Họ cũng ít có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng và các loại bệnh tự miễn khác như bệnh viêm khớp, bệnh lupus…
Tuy nhiên, người có nhóm máu AB lại có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn, vì nhóm máu AB sẽ không "xử lý" tế bào có vẻ giống như tế bào của nhóm máu A hoặc B cho dù nó là tế bào lạ mới xâm nhập vào.
Thế nên, tiến sĩ D'Adamo khuyên người có nhóm máu AB nên tập trung ăn nhiều đậu phụ, hải sản, bơ sữa và rau xanh. Đồng thời cần tránh uống loại thức uống chứa caffein, rượu và các loại thịt bò và gà.
Theo Hồng Hạnh (Pháp Luật & Bạn Đọc)