Chuyện phụ nữ lấy chồng muốn về thăm bố mẹ đẻ mà chồng không vui, bố mẹ chồng khó chịu dường như không còn xa lạ với nhiều chị em đi làm dâu. Thậm chí có trường hợp, mẹ vợ bệnh nặng chồng cũng không cho vợ về đưa bà đi viện, dẫu khoảng cách vỏn vẹn có 3 cây số.
Nguyên văn lời chia sẻ ấy như sau:
Các mom thật sự cho mình lời khuyên chân thành với!
Cả một đời tần tảo nuôi con khôn lớn chưa trả được ơn nghĩa sinh thành đã vội đi lấy chồng. Hôm nay mẹ ốm không đi nổi. Bố gọi bảo về chở mẹ đi khám. Nhà chồng cách nhà mẹ 3 cây số, vậy mà chồng không cho về, chửi sa sả vào mặt mình, bảo hở ra một tí chuyện là nhờ vả. Chồng mình nói câu: “Tao không thích nhờ vả, ốm chẳng lẽ không đi được hay sao mà phải nhờ, chưa chết”. Còn bảo mẹ tao chưa bao giờ nhờ vả ai mà nhà mày hở ra nhờ vả, không rảnh. Đủ đường đủ kiểu nói, mấy mom thấy chịu đựng được không ạ...
Em đau lòng thắt ruột gan. Mẹ thấy lâu gọi lên. “Con không lên được, không ai trông bé”, “Thôi không phải lên, mẹ đi một mình được”. Mình biết mẹ mình nghe giọng mẹ là biết mẹ đang cố gắng nói không sao. Mình thấy mình ngu quá, có lẽ không thể sống cùng người chồng tệ bạc như vậy được...
Đọc xong, có lẽ không ai là không phẫn uất với cách cư xử và lối suy nghĩ của người chồng. Ai cũng có bố mẹ, ai cũng cần báo hiếu bố mẹ mình, chứ tự dưng vợ anh ta xuất hiện cho anh ta cưới về chắc? Có thể bố mẹ anh ta còn khỏe mạnh, chưa cần phiền đến con cái. Nhưng mẹ vợ đã ốm nặng, còn không cho vợ về đưa mẹ đi viện thì thật không còn lời nào để diễn tả sự bạc bẽo, ích kỉ của anh ta. Cố sống tiếp với người đàn ông như thế, cũng chỉ là những chuỗi ngày đau khổ, tủi hờn mà thôi.
Bên cạnh việc lên án người chồng, thì chính cô gái đáng thương cũng bị hội chị em trách móc. “Chồng không cho đi chẳng lẽ cũng không đi, để kệ mẹ như thế, trong khi cách có 3 cây số? Chồng thì chồng chứ chẳng chồng thì thôi, chồng có thể bỏ còn bố mẹ thì không bao giờ”, đó là câu chất vấn chung của mọi người. Cô gái liền than phiền, mình giờ ở nhà trông con nhỏ, phụ thuộc chồng. Giờ mà chia tay, cô phải mang con về nhà đẻ. Dưới cô còn 2 em nhỏ mới 10 tuổi và 5 tuổi, mẹ con cô về sẽ chỉ là gánh nặng cho bố mẹ mà thôi. Như vậy, có lẽ cô chỉ còn cách tiếp tục chấp nhận cảnh sống như hiện tại, bản thân không được chồng coi trọng, anh ta nói gì phải nghe nấy, bao gồm cả việc bỏ mặc bố mẹ ruột lúc khó khăn, hoạn nạn.
Thiết nghĩ, hoàn cảnh vừa đáng thương vừa đáng trách của cô gái chính là một bài học sâu sắc dành cho những cô gái sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Vớ phải một gã đàn ông không ra gì chưa đáng sợ. Hôn nhân trục trặc cũng chẳng phải đường cùng. Sợ nhất là biết sống trong địa ngục, khao khát ra đi, nhưng lại chẳng có năng lực để thoát ra. Kết hôn, không chỉ đơn giản yêu là lấy, đến tuổi lấy chồng là lấy. Mà phải xem mình đã đủ trưởng thành, đủ tự lập để xây dựng một gia đình mới, cũng như ứng phó với tất cả khả năng có thể xảy ra hay chưa.
Trong trường hợp cô gái, nếu cô ấy có công việc với thu nhập riêng, cô ấy đâu cần quỵ lụy chồng tới mức đó. Cô ấy sẽ có tiếng nói, có quyền tự quyết, chẳng những thế chồng còn trở nên tôn trọng cô ấy hơn. Cô ấy có thể dũng cảm “xách vali lên và ôm con đi” nếu như cảm thấy không thể chung sống với người chồng đó nữa, và dù đi đâu thì cũng chẳng bao giờ là gánh nặng cho ai, vẫn nuôi con ngon lành. Giá như trước khi kết hôn, hay trước khi sinh con thôi, cô ấy suy nghĩ và lên kế hoạch cho chu đáo cho chính bản thân mình, thì đâu đến nông nỗi này.
Các cô gái trẻ ơi, trông đợi hoàn toàn vào tình yêu của đàn ông là điều mà một phụ nữ thực tế không bao giờ làm. Cái câu “Cưới về anh nuôi em” nghe thì ngọt ngào, lãng mạn lắm, nhưng chỉ là nghe mà thôi. Còn sự thực nó chẳng đẹp đẽ gì cho cam. Bởi hôn nhân là trăm nghìn vấn đề, và trên đời này chả ai nói trước được chữ ngờ. Đừng để bản thân rơi vào cảnh ngộ như cô gái trong bài viết, lúc ấy có kêu than hay hối hận thì cũng đã muộn…
Theo Thái Nguyên (Helino)