Cô gái mắc chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH), một rối loạn bẩm sinh hiếm gặp, dẫn dến khiếm khuyết một số hoặc tất cả cơ quan sinh sản nữ. Marinho không có cổ tử cung, tử cung, buồng trứng. Các chuyên gia ở Đại học Liên bang Ceara Brazil (FUC) quyết định phẫu thuật tái tạo âm đạo cho Jucilene bằng da cá rô phi nước ngọt.
Theo Metro, ca phẫu thuật đã được thực hiện bằng cách mở âm đạo bệnh nhân để chèn một khuôn hình bộ phận sinh dục lót bằng da cá rô phi vào trong. Khi tiếp xúc với cơ thể bệnh nhân, da cá rô phi hoạt động như tế bào gốc, được hấp thụ và chuyển thành mô tế bào hình thành thành ống, tương tự như âm đạo thực tế. Trước khi được sử dụng, da cá trải qua quá trình làm sạch và tiệt trùng đặc biệt trong phòng thí nghiệm, sau đó chiếu xạ để diệt virus.
Sau khi trải qua ba tuần nằm viện, Marinho đã được xuất viện với âm đạo mới, có thể quan hệ tình dục với bạn trai của mình. "Cuộc phẫu thuật đột phá đã thay đổi cuộc sống của tôi. Bây giờ tôi cảm thấy mình giống như một người phụ nữ thực sự", cô gái nói.
Trước khi phẫu thuật, Marinho từng rất đau buồn và sống khép kín vì khiếm khuyết trên cơ thể mình. "Tôi đã khóc rất nhiều khi biết ước mơ có con của mình đã dập tắt. Thậm chí, bạn trai của tôi đã chế giễu và chia tay tôi ngay sau khi anh ta biết chuyện", Marinho chia sẻ.
Jucilene Marinho là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được tái tạo âm đạo bằng da cá rô phi. Đến nay, các bác sĩ Brazil đã phẫu thuật tái tạo âm đạo cho bốn phụ nữ sinh ra không có cổ tử cung, tử cung hoặc buồng trứng bằng da cá.
Sở dĩ da cá rô phi được sử dụng cho thủ thuật này là vì nó có lượng độ ẩm lớn và giàu collagen type một. Ngoài ra, nó cũng có khả năng kháng bệnh và mạnh mẽ như da người. Da cá rô phi từng được sử dụng để chữa lành cho nạn nhân bị bỏng nặng.
Theo Thu Hiền (VnExpress.net)