BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp Cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, khoa đang điều trị cho 1 trường hợp gặp biến chứng rất nặng do viêm não mô cầu.
Bệnh nhân Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại Trạm Tấu, Yên Bái) được tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu, trên da có nhiều vết xuất huyết.
Anh Mùa A Sang - chồng bệnh nhân cho biết, sáng 2/5 chị D. vẫn đưa con đi học bình thường, sau đó về đi ngủ do thấy người hơi sốt. Thấy vậy, anh định dùng thuốc nam đắp cho vợ, nhưng khi vạch áo lên thấy trên lưng vợ có nhiều vết đỏ nên dừng lại.
Tối cùng ngày, chị D. sốt cao nữa, tiêu chảy, mê man, ngất liên tục. Đến sáng hôm sau, gia đình đưa bệnh nhân đến BV đa khoa Nghĩa Lộ khám. Nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm não mô cầu, BV chuyển bệnh nhân xuống BV Bệnh nhiệt đới.
Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân mắc viêm não mô cầu với diễn biến rất cấp tính, dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng.
Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê rất sâu, mất phản xạ, tiên lượng rất xấu, nguy cơ tử vong rất cao.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, miền Bắc đã ghi nhận 4 ca mắc viêm não mô cầu, trong đó 2 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Hưng Yên.
BS Cấp nhấn mạnh, viêm não mô cầu diễn tiến nhanh, với người khỏe mạnh có thể tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi có biểu hiện bệnh. Do đó cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để cấp cứu kịp thời.
Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.
Hiện nay, chích vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất. Có 2 loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Người lớn cũng có thể tiêm phòng.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)