Mặc dù co giật do sốt gây hoảng loạn cho cha mẹ nhưng hầu hết không gây ra nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong lúc co giật.
1. Sốt cao co giật là gì?
Co giật xuất hiện do tăng thân nhiệt > 37.8 độ C ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới 6 năm tuổi. Từ 3-5% trẻ trong độ tuổi trên bị co giật do sốt. Từ 6 tuổi trở đi trẻ sẽ không còn nguy cơ bị co giật khi sốt.
Khi co giật trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, tiêu tiểu không tự chủ, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã.
Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ. Thời gian này có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt.
2. Như vậy không cần sốt cao cũng có thể co giật?
Đúng. Mọi người thường nghĩ rằng thân nhiệt cao gây co giật nhưng thật ra thân nhiệt tăng nhanh trong một thời gian ngắn mới chính là nguyên nhân gây ra co giật ở trẻ. Vì vậy gọi hiện tượng này là "sốt cao co giật" không được chính xác, nên đổi thành "co giật do sốt" cho phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế.
3. Co giật do sốt có nguy hiểm tới tính mạng không?
Mặc dù co giật do sốt gây hoảng loạn cho cha mẹ nhưng hầu hết không gây ra nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong lúc co giật. Tỷ lệ tử vong của trẻ có co giật do sốt (1 cơn và kéo dài không quá 15 phút) không khác tỷ lệ tử vong của các trẻ bị sốt mà không co giật cùng lứa tuổi.
4. Co giật do sốt có ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ?
KHÔNG! Có 2 nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về trí tuệ của các trẻ bị co giật do sốt so với anh em cùng cha mẹ không bị co giật do sốt.
5. Co giật do sốt có phải là chỉ dấu của bệnh động kinh?
KHÔNG! Chỉ 2 - 4% trẻ bị co giật do sốt mắc động kinh sau này hay 10 - 20% người bị động kinh có tiền sử co giật do sốt. Hầu hết các trường hợp sốt rồi có co giật kéo dài trên 15 phút, hoặc có nhiều cơn co giật trong 24 giờ đều liên quan tới bệnh lý thần kinh sẵn có của trẻ.
6. Co giật do sốt khá lành tính như vậy thì có nên giữ trẻ ở nhà không?
KHÔNG. Sau khi trẻ hết co giật, cần đưa trẻ tới viện để được bác sĩ khám và loại trừ viêm màng não cũng như các nguyên nhân nguy hiểm gây sốt và co giật khác.
7. Phải làm gì khi trẻ bị co giật?
Đặt trẻ xuống nơi rộng thoáng khí, để trẻ co giật, theo dõi trẻ, theo dõi xem thời gian trẻ co giật là bao nhiêu để báo với bác sĩ khi đưa tới bệnh viện. Hết giật, cho trẻ nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.
Không cố giữ chân giữ tay trẻ vì có thể gây chấn thương cơ xương khớp của trẻ.
Không bế ẵm trẻ khi trẻ đang co giật vì có thể làm rơi trẻ gây chấn thương.
Không nhét bất cứ thứ gì vào mồm trẻ vì có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp trên. Khi trẻ hết giật cũng không nhét gạc mềm vào khóe mép trẻ như một số báo đã khuyên các bạn.
8. Sau khi trẻ bị co giật do sốt hết co giật, trẻ có nguy cơ gì không?
Sau khi hết giật, hầu hết trẻ thường ngủ lịm đi có thể tới cả giờ. Một số trẻ tỉnh ngay nhưng vẫn lờ đờ. Một số rất ít trẻ có thể ngừng thở (do dị vật đường thở...).
Trẻ ngừng thở do dị vật đường thở tuy hiếm gặp nhưng nếu gặp trường hợp này, bạn cần bình tĩnh đánh giá và tiến hành CPR (cấp cứu ngừng thở ngừng tim) kịp thời nếu bạn biết cách làm. Tôi khuyên các bạn nên tham gia 1 lớp sơ cứu bài bản hoặc trở thành thành viên của *9999 để được hỗ trợ qua điện thoại.
9. Khi đưa trẻ tới viện, bác sĩ sẽ làm gì với con bạn?
Khi được đưa tới viện, hầu hết trẻ đã hết giật nên chỉ được theo dõi. Các bạn đừng quá sốt ruột vì không thấy bác sĩ làm gì. Do hầu hết trẻ chỉ bị 1 lần co giật cho 1 đợt sốt nên các bác sĩ sẽ hầu như không cho thuốc dự phòng co giật vì tác dụng thì chưa rõ nhưng nguy cơ biến chứng gây ngừng hô hấp là có.
Việc cho thuốc hạ sốt là để bệnh nhi dễ chịu chứ không phải vì co giật. Con bạn có thể được lấy máu và làm một số xét nghiệm. Một số trường hợp đặc biệt sẽ được làm thêm xét nghiệm dịch não tủy, điện não đồ hoặc được hội chẩn với chuyên khoa Thần Kinh, Nhiễm và/hoặc Nhi.
Theo Bs Bùi Nghĩa Thịnh (Trí Thức Trẻ)